SVLAW.7FORUM.BIZ 2014
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
SVLAW.7FORUM.BIZ 2014

Thế giới ngày mai thuộc về những người có tầm nhìn hôm nay - ROBERT SCHULLER

Đăng Nhập

Quên mật khẩu



FAVORITES

Hoàn thiện pháp luật về hành vi phân biệt giá của Luật cạnh tranh  Cash_register Đăng ký
Hoàn thiện pháp luật về hành vi phân biệt giá của Luật cạnh tranh  Menu-home Home
Hoàn thiện pháp luật về hành vi phân biệt giá của Luật cạnh tranh  Menu-community Forum

APPS

Hoàn thiện pháp luật về hành vi phân biệt giá của Luật cạnh tranh  Menu-newcontent Xem nội dung mới
Hoàn thiện pháp luật về hành vi phân biệt giá của Luật cạnh tranh  Menu-quicknavigation Hộp thư

MORE

Hoàn thiện pháp luật về hành vi phân biệt giá của Luật cạnh tranh  Menu-more Lý lịch
Hoàn thiện pháp luật về hành vi phân biệt giá của Luật cạnh tranh  Menu-reglas Trợ giúp
Hoàn thiện pháp luật về hành vi phân biệt giá của Luật cạnh tranh  Likes_flag Ban quản trị

OTHERS

Hoàn thiện pháp luật về hành vi phân biệt giá của Luật cạnh tranh  Date Lịch
Hoàn thiện pháp luật về hành vi phân biệt giá của Luật cạnh tranh  Cake Thống kê

Latest topics

» TỔNG HỢP TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH LUẬT
by tdung67 Wed Mar 22, 2017 2:57 pm

» ĐỀ THI TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ NGOÀI HỢP ĐỒNG (ĐỀ 2)
by tdung67 Mon May 30, 2016 9:24 am

» [HOT] 400 CÂU TRẮC NGHIỆM KIẾN THỨC NGÂN HÀNG (CÓ ĐÁP ÁN THAM KHẢO)
by duyenvinh Wed Mar 09, 2016 10:03 am

» Phương pháp học tiếng anh mới nhất
by thanhnam9187 Thu Mar 03, 2016 8:52 am

» Quản lí nhà nước về hộ tịch
by minhthuc Mon Feb 29, 2016 3:13 pm

» Anh chị nào học luật ngân sách nhà nước rồi có thể hướng dẫn em làm bài tập bên dưới được không ạ? e cảm ơn nhiều ạ :x :x :x
by hihu2016 Sun Feb 28, 2016 8:34 pm

» Tổng hợp đề thi Luật TMQT
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:52 pm

» Đề thi Công pháp quốc tế
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:51 pm

» Đề thi Luật Thương Mại
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:50 pm

» Trang web tổng hợp đề thi trường Luật
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:48 pm


You are not connected. Please login or register

Hoàn thiện pháp luật về hành vi phân biệt giá của Luật cạnh tranh

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

librarian

librarian
Thành viên cấp 4
Thành viên cấp 4


Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, người tiêu dùng nhiều khi bị dồn vào ngõ cụt khi một số hàng hóa, như xăng dầu, thép, thuốc chữa bệnh, sữa... liên tục tăng giá. Cũng kịp nhận biết sự tác động tiêu cực của mức giá tăng cao đối với nền kinh tế và đời sống dân sinh, nhưng dường như chúng ta cũng đang rất lúng túng khi tìm cách phong tỏa hành vi kinh doanh bất bình thường - hành vi ấn định mức giá bán hàng hóa cao bất hợp lý. Có nhiều văn bản được nêu tên, nhiều quy định được viện dẫn, nhiều ý kiến đề xuất và một số quy tắc pháp lý cần thiết đã được bổ sung, nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Trong khi đó, rất nhiều quy định trong Luật Cạnh tranh có thể phát huy được hiệu quả nếu biết cách sử dụng lại bị “ngó lơ”, đặc biệt là các quy định về hành vi phân biệt giá.

1. Nhận diện hành vi phân biệt giá

Theo cách hiểu thông thường, phân biệt giá là việc các chủ thể kinh doanh khi tiến hành phân phối hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ đã áp dụng nhiều mức giá khác nhau cho cùng một sản phẩm trong các trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, một khi hành vi kinh doanh này đã được pháp luật quy định thì dấu hiệu nhận dạng của nó đòi hỏi phải có đầy đủ các điều kiện pháp lý.

Thực ra, Luật Cạnh tranh không quy định trực tiếp về hành vi phân biệt giá. Theo quy định hiện hành, phân biệt giá là một trong những biểu hiện của sự phân biệt đối xử trong thương mại, gồm: phân biệt đối xử về điều kiện mua, bán, thời hạn thanh toán, số lượng và phân biệt đối xử giá cả hàng hóa1. Thông qua các quy định của Luật Cạnh tranh và Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh, hành vi phân biệt giá của doanh nghiệp được xác định thông qua ba yếu tố cấu thành sau:

1.1. Chủ thể thực hiện hành vi

Pháp luật cạnh tranh quy định chủ thể thực hiện phân biệt giá phải là “doanh nghiệp” - bao gồm các “tổ chức, cá nhân kinh doanh”2 hoặc nhóm doanh nghiệp - có thể là 2, 3 hoặc 4 doanh nghiệp đơn phương cùng hành động mà không có sự thỏa thuận trước như các dạng hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Luật Cạnh tranh không kiểm soát hành vi phân biệt giá được thực hiện bởi các chủ thể khác.

Để thực hiện hành vi phân biệt giá, các chủ thể đó phải có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền trên thị trường và phân biệt giá là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền để áp dụng nhiều mức giá khác nhau cho cùng một sản phẩm trong các trường hợp khác nhau. Khả năng khống chế thị trường này được Luật Cạnh tranh xác định dựa theo thị phần của doanh nghiệp hoặc thị phần kết hợp của nhóm doanh nghiệp trên thị trường liên quan. Cần lưu ý, theo Luật Cạnh tranh, doanh thu hoặc doanh số mua vào của doanh nghiệp là căn cứ duy nhất để xác định thị phần. Trên thực tế, có nhiều người đã nhầm lẫn trong việc sử dụng căn cứ nhằm tính toán các thông số này3.

Trong một số trường hợp, vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp có thể được xác định dựa vào khả năng hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp khi sở hữu các yếu tố: năng lực tài chính (của doanh nghiệp, của tổ chức kinh tế, cá nhân thành lập doanh nghiệp, của tổ chức, cá nhân có quyền kiểm soát hoặc chi phối hoạt động của doanh nghiệp, của công ty mẹ); năng lực công nghệ; quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với đối tượng sở hữu công nghiệp và quy mô của mạng lưới phân phối4.

1.2. Biểu hiện khách quan của hành vi

Theo Điều 29 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP, hành vi phân biệt giá sẽ được nhận dạng qua các dấu hiệu sau:

Một là, các giao dịch giữa doanh nghiệp vi phạm và khách hàng bị phân biệt đối xử là như nhau. Để xác định, cơ quan điều tra sẽ dựa vào đối tượng của giao dịch - hàng hóa, dịch vụ. Những giao dịch được cho là như nhau thì phải có cùng đối tượng hay phải tương tự về mặt giá trị hoặc tính chất. Có thể thấy, yêu cầu này được đặt ra như một điều kiện đủ để phản ánh sự thiếu công bằng giữa các khách hàng khi tồn tại dấu hiệu thứ hai.

Hai là, tồn tại các biểu giá khác biệt giữa các giao dịch đó. Chỉ cần tồn tại các mức giá cao, thấp khác nhau và do chính doanh nghiệp áp dụng đối với các khách hàng của mình. Điều này cũng cho thấy, nếu doanh nghiệp thực hiện việc tăng giá bán sản phẩm đối với nhóm khách hàng này trong khi vẫn duy trì giá phân phối cho các nhóm khách hàng khác ở mức thấp thì có thể bị cáo buộc là thực hành vi phân biệt giá.

1.3. Hậu quả tác động của hành vi

Điều 13 Luật Cạnh tranh và Điều 29 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP yêu cầu hành vi phân biệt giá của các chủ thể chỉ có thể bị truy cứu nếu nó tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các khách hàng. Muốn vậy, i) đòi hỏi người mua là đối thủ cạnh tranh của nhau. Điều này cho thấy Luật Cạnh tranh cũng không xem xét các hành vi phân biệt giá được các chủ thể kinh doanh sử dụng nhằm đối xử với các khách hàng là người tiêu dùng cuối cùng. Đồng thời, để xác định các khách hàng có là đối thủ cạnh tranh thì quá trình điều tra phải chứng minh được các khách hàng này hoạt động trên cùng một thị trường liên quan - đây là thị trường khác với giới hạn của thị trường của doanh nghiệp thực hiện hành vi mà chúng ta buộc phải xác định khi muốn khẳng định về vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền của doanh nghiệp. Ngoài ra, (ii) hành vi phân biệt giá này phải được chủ thể sử dụng để “đặt một hoặc một số doanh nghiệp vào vị trí cạnh tranh có lợi hơn so với doanh nghiệp khác”. Vị trí có lợi có thể được hiểu là doanh nghiệp đã được hưởng nhiều ưu đãi hơn về giá hay tạo cơ hội giải phóng hoặc giảm bớt những áp lực về giá khi được phân phối sản phẩm.



2. Bản chất kinh tế của hành vi phân biệt giá

Nội dung cốt yếu trong biểu hiện khách quan của hành vi phân biệt giá là sự hiện diện của một biểu giá với nhiều mức giá khác nhau, trong đó chắc chắn sẽ có những mức giá cao, và có thể là rất cao bên cạnh những mức giá thấp. Điều gì sẽ xảy ra với các chủ thể có liên quan trong tình huống như vậy? Câu trả lời tùy thuộc vào kết quả nhận định của chúng ta về bản chất kinh tế cũng như những tác động của hành vi này đối với đời sống kinh doanh. Từ kết quả phân tích bước đầu, chúng tôi thấy:

Thứ nhất, với nhiều mức giá khác nhau cho những nhóm khách hàng khác nhau, phân biệt giá trở thành một trong những phương thức định giá hiệu quả vì lúc đó doanh nghiệp luôn bán được sản phẩm ở mức giá cao nhất mà mỗi người mua có thể mua. Với một mức giá cao, doanh nghiệp tăng thêm được doanh thu; với một mức giá thấp hơn, doanh nghiệp sẽ tiêu thụ được lượng hàng lớn và cuối cùng cũng làm gia tăng doanh thu của doanh nghiệp.

Sự kết hợp giữa mức giá cao, mức giá thấp đó đã đưa phân biệt giá lên vị thế ưu thế so với hiệu quả mà doanh nghiệp có thể có được bằng những phương cách khác như:

- Doanh thu và lợi nhuận có thể cao hơn trong trường hợp độc quyền. Bởi khi đó, doanh nghiệp vừa có thể tăng số lượng hàng hóa cung ứng mà vẫn giữ mức giá cao đối với một số lượng hàng hóa nhất định.

- Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp được đảm bảo từ kết quả trực tiếp của phân biệt giá và ngay tại thời điểm phân biệt giá. Còn nếu bán phá giá thì doanh nghiệp chỉ có thể thu lại phần giá trị đã mất ở một quãng thời gian sau đó.

Thứ hai, ngoài những tác động kép trong tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp còn ứng dụng hành vi phân biệt giá như là một trong những phương thức tiếp cận thị trường, lôi kéo, nắm giữ khách hàng thông qua một mức giá thấp so với các thị trường khác, từ đó tiếp tục củng cố, bảo vệ và duy trì vị trí thống lĩnh của mình trên thị trường.

Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào, bất cứ một doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện thành công phương thức định giá này. Để có được kết quả như vậy doanh nghiệp phải có sức mạnh thị trường và điều quan trọng hơn là phải có khả năng khống chế được việc các khách hàng giữa các khu vực trao đổi lại sản phẩm với nhau do sự chênh lệch về giá cả.



3. Tác động của hành vi phân biệt giá

Nhìn chung, hành vi phân biệt giá được doanh nghiệp thực hiện luôn có những tác động nhất định - cả tích cực lẫn tiêu cực - đối với người tiêu dùng, thị trường và cả chính doanh nghiệp thực hiện. Cụ thể:

Đối với người tiêu dùng: trong trường hợp bị phân biệt đối xử, mỗi khách hàng hoặc nhóm khách hàng chỉ được tiếp cận với một biểu giá khác biệt, thậm chí là khác biệt rất lớn so với biểu giá của khách hàng hoặc nhóm khách hàng khác. Trong khi đó, các mức giá phân biệt này lại không phản ánh cân bằng cung cầu và ảnh hưởng tới thu nhập của người tiêu dùng. Lý thuyết kinh tế đã chứng minh sự mất mát trong giá trị thặng dư của người tiêu dùng xảy ra trong những trường hợp như vậy.

Tuy nhiên, dù không phổ biến nhưng nhiều trường hợp chiến lược phân biệt giá được các doanh nghiệp tiến hành bằng cách hạ giá5 giá bán sản phẩm cho một số khách hàng khác. Liệu hành động này có mang lại thặng dư tăng thêm cho người tiêu dùng trên cơ sở thặng dư sản xuất bị cắt giảm? Sai lầm khi chúng ta trả lời đúng, vì bản chất của phân biệt giá không được nhìn nhận như vậy. Mức giá doanh nghiệp phân biệt đưa ra đã là mức giá tối đa mà khách hàng chấp nhận chi trả để có được sản phẩm. Do đó, không có chuyện người tiêu dùng sẽ chi trả ở mức giá cao hơn mức giá phân biệt, bởi thay vì quyết định mua, các khách hàng hay nhóm khách hàng sẽ chấp nhận phương án không có sản phẩm đó. Cho nên, phân biệt không phải là hạ giá bán so với mức giá có thể bán (vì không có mức giá này) trước một khách hàng6. Vì vậy, cũng không có cơ hội để tăng thêm thặng dư tiêu dùng. Trước mỗi mức giá phân biệt, thặng dư của người tiêu dùng tương đương không, nếu có sẽ là rất ít để kích thích việc mua hàng của người tiêu dùng trong trường hợp phân biệt giá áp dụng theo mức giá chung của từng nhóm khách hàng.

Đối với doanh nghiệp phân biệt giá: lợi ích đầu tiên có thể nhận thấy là việc gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp, đồng thời với những lợi ích khác đã nêu. Tuy nhiên, những lợi ích đó cũng không thể loại trừ được những thua thiệt mà doanh nghiệp phân biệt giá phải gánh chịu. Bằng chứng đầu tiên chính là sự giảm sút thặng dư sản xuất, tuy không được chuyển sang cho người tiêu dùng nhưng trong một số trường hợp, phần lợi ích đó sẽ trở thành tổn thất xã hội trong nền kinh tế.

Doanh nghiệp tiến hành phân biệt đối xử về giá thường là doanh nghiệp có sức mạnh thị trường. Lợi thế đó trên thị trường tạo cho doanh nghiệp khả năng và “quyền” được ấn định mức giá bán thực tế. Nhiều khi, mức giá ấn định quá cao so với mức sẵn lòng chi trả của một nhóm người tiêu dùng tại những phân khúc thị trường nhất định. Để bán được sản phẩm, doanh nghiệp cần định giá phân biệt bằng cách hạ giá bán thực tế thấp hơn mức giá dự kiến ban đầu cho những đối tượng này (và duy trì mức giá cao tại những thị trường và nhóm khách hàng chấp nhận mức giá cao). Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mới chưa có thị phần lớn, chưa có khả năng chi phối thị trường phải chấp nhận mức giá chung của thị trường. Họ không có khả năng ấn định giá bán sản phẩm cao nhưng có thể hạ giá bán sản phẩm thấp hơn với một số khách hàng nhất định cần phải được đối xử như thế. Đây là phương thức cạnh tranh của doanh nghiệp nhưng cũng là kiểu phân biệt đối xử về giá7.

Dù là nhóm doanh nghiệp nào, khi tiến hành phân biệt đối xử về giá trong trường hợp hạ giá bán thì thặng dư sản xuất theo dự kiến đã bị cắt giảm. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp chấp nhận hạ giá bán lỗ. Trường hợp này có bị coi là bán phá giá8 hay không, có được pháp luật cho phép hay không… chúng ta chưa đề cập. Nhưng chính sự bán lỗ đó là một biểu hiện rõ nhất về thiệt hại đối với doanh nghiệp khi phân biệt giá.

Đối với doanh nghiệp đối thủ: tác động có thể nhìn thấy đối với các doanh nghiệp này trước quá trình phân biệt giá chính là sự mất dần một lượng khách hàng, đặc biệt là những khách hàng có sự phản ứng khá nhạy cảm về giá. Nguyên nhân không phải do chính giá trị thương hiệu hay chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp… giảm sút, mà lại do kết quả của quá trình lôi kéo khách hàng của đối thủ cạnh tranh thực hiện chiến lược phân biệt đối xử. Doanh nghiệp phải chấp nhận như một quy luật hiển nhiên của cuộc chơi nếu sự phân biệt giá được thực hiện một cách trong sáng và thỏa đáng. Nhưng thực tế vẫn có trường hợp doanh nghiệp đối thủ sử dụng phân biệt giá như là một cách thức không minh bạch để tranh giành thị trường. Tác động này là tác động tiêu cực của phân biệt giá đối với doanh nghiệp đối thủ.

Rõ nhất khi chúng ta nhận diện sự tác động này tại các thị trường địa lý liên quan là thị trường “vùng”, “địa phương”. Một doanh nghiệp có tiềm lực trong quá trình phát triển và mở rộng thị phần khi đưa ra chiến lược thâm nhập và thâu tóm tại các thị trường này thường đưa ra mức giá “làm quen” thấp hơn rất nhiều so với mức giá tại các thị trường mà áp lực cạnh tranh không cao. Kết quả, các doanh nghiệp nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm của địa phương sẽ bị loại bỏ dần dần và khả năng gia nhập ngành sẽ bị hạn chế, chỉ còn là cơ hội cho các doanh nghiệp có sức mạnh tương đương doanh nghiệp “chiến thắng”.

Đối với thị trường: một điều hiển nhiên, khi hành vi phân biệt giá được thực hiện và tác động đến người tiêu dùng, tác động đến doanh nghiệp và doanh nghiệp khác… thì cũng đồng nghĩa với việc thị trường có sự ảnh hưởng. Ở đây, chúng ta xem xét và phân tích vấn đề dưới những biểu hiện khác trong sự tác động trực tiếp của phân biệt giá đến những đặc tính chung của thị trường, thông qua các biểu hiện được phân tích sau đây:

- Với những hậu quả mà nó để lại, phân biệt giá và các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh khác bị các nhà khoa học pháp lý quy kết là các hành vi làm hạn chế cạnh tranh. Việc tiến hành phân biệt đối xử về giá có thể sẽ làm cản trở, giảm, sai lệch cạnh tranh9. Sẽ cực kỳ nguy hiểm khi các khách hàng là các chủ thể kinh doanh và là đối thủ của nhau trong quá trình sản xuất hay phân phối sản phẩm sau đó. Doanh nghiệp có sự ưu đãi đương nhiên sẽ có lợi thế trong việc giảm thiểu chi phí đầu vào của quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm và ngược lại. Việc chủ động thực hiện phân biệt giá lúc này hiển nhiên tạo cho các doanh nghiệp là đối thủ của nhau có các “thế và lực” khác nhau.

- Đứng trước bất cứ lập luận nào, sự hiện diện của các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh và độc quyền đều có tác động không tích cực đến nền kinh tế. Trong khi phân biệt giá là cách thức để phát triển thị phần và điều này dễ dẫn đến tình trạng độc quyền hoặc có sức mạnh độc quyền. Điều đó càng làm cho thị trường bị biến dạng. Các quy luật cơ bản của thị trường sẽ bị loại bỏ. Quy luật cạnh tranh bị khúc xạ, quy luật cung cầu không được tuân thủ và quy luật giá trị không được tôn trọng. Tất cả mọi nguyên tắc hình thành giá đều bị phủ nhận. Khi đó, giá được hình thành theo ý chí của doanh nghiệp và hoàn toàn mang tính chủ quan thông qua các biểu giá mang tính phân biệt.

- Hiệu quả của quá trình sản xuất được đánh giá bởi giá trị phúc lợi được mang lại cho nền kinh tế. Giá trị này được đo lường bằng chính tổng giá trị thặng dư sản xuất và thặng dư tiêu dùng có được. Khi phân biệt giá được sử dụng, phúc lợi xã hội không bị tiêu hao nhưng đã có sự chuyển dịch thặng dư tiêu dùng sang thặng dư sản xuất một cách không thỏa đáng. Sự “bóc lột” đó đã ảnh hưởng đến việc phân phối thu nhập xã hội và là nguyên nhân làm thuyên giảm mức sống thực của một bộ phận người dân. Điều này cho thấy là công bằng xã hội không được đảm bảo. Lý thuyết về hiệu quả và công bằng trong kinh tế không chấp nhận tình trạng này.



4. Hoàn thiện và nâng cao khả năng áp dụng của pháp luật về phân biệt giá

Trước sự tác động của phân biệt giá, đặc biệt là những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp đối thủ, người tiêu dùng và cả nền kinh tế, với chức năng và mục tiêu được hoạch định, pháp luật cần xuất hiện để định hướng trong việc tiếp cận và xử lý những biểu hiện về phân biệt giá.

Cho đến nay, kể từ khi quy định về xử lý hành vi này trong Luật Cạnh tranh có hiệu lực, trên thực tế vẫn chưa có vụ việc nào được đưa ra ánh sáng, trong khi có rất nhiều thương vụ cho thấy các chủ thể đã vi phạm các dấu hiệu về phân biệt giá. Thực trạng này có thể xuất phát từ hiệu ứng của quá trình thực thi, nhưng trước hết là ở những quy định về nhận dạng và kiểm soát hành vi phân biệt giá còn thiếu chặt chẽ. Vì vậy, những vấn đề pháp lý về phân biệt giá phải được hoàn thiện, cụ thể:

Một là, mức độ khác biệt giữa các mức giá tới đâu thì bị cho là phân biệt đối xử? Có phải, chỉ cần có sự khác biệt là vi phạm? Không thể gật đầu với giả định này, vì như vậy sẽ quá “rẻ rúng” các nguyên tắc pháp lý. Pháp luật chỉ nên kiểm soát những hành vi tiêu biểu, có tính nguy hại lớn đối với xã hội, trong khi sự khác biệt chút ít giữa các mức giá trong kinh doanh là chuyện thường ngày. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn chi tiết hơn về độ chênh giữa các mức giá, tương tự như một biên độ phá giá mà chúng ta đã thấy trong luật thực định.

Hai là, cần bổ sung tiêu chí thời gian xác lập các giao dịch để xác định tính như nhau giữa các giao dịch trong phân biệt giá. Thực tế có thể có các giao dịch mặc dù tương tự về tính chất và giá trị của hàng hóa, nhưng được thiết lập vào những thời điểm hay khoảng thời gian khác nhau mà cấu trúc thị trường, bối cảnh kinh doanh cũng như những yếu tố tác động lên nó hoàn toàn là khác nhau. Sự cách xa nhau về thời điểm giao dịch trong bối cảnh đó sẽ dẫn đến việc áp đặt những điều khoản riêng biệt cho mỗi giao dịch tương ứng ở mỗi thời điểm. Và pháp luật về kiểm soát hành vi phân biệt đối xử không hàm ý ngăn cấm việc áp dụng các điều khoản khác biệt nhau trong trường hợp này10.

Ba là, cần bổ sung yếu tố “ngoại phạm” cho hành vi của doanh nghiệp. Liệu có tồn tại “sự bất bình đẳng trong cạnh tranh” giữa các doanh nghiệp khách hàng là đối thủ không nếu doanh nghiệp phân biệt cho rằng, mình công khai những điều kiện để được hưởng sự ưu đãi đó như một điều kiện “sẵn có”. Có nghĩa, i) mọi khách hàng đều được biết về những yêu cầu của giao dịch để được hưởng ưu đãi và ii) doanh nghiệp phân biệt giá đều sẵn sàng chấp nhận cho khách hàng được hưởng những ưu đãi đó một cách minh bạch khi họ đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Bởi lẽ, mọi khách hàng trong trường hợp này đều bình đẳng về cơ hội và sự tự do tiếp cận, tiếp nhận cơ hội. Có chăng, việc không với tay được tới những khoản ưu đãi đó là do nội lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khách hàng chứ không xuất phát từ thái độ thiên vị của doanh nghiệp phân biệt. Điều kiện về tính “sẵn có” không yêu cầu người bán phải chủ động chào bán đến từng khách hàng cho từng trường hợp mà chỉ cần thông báo công khai để người mua tự tiếp cận (vì đã “sẵn có”). Đặc biệt, hiện nay ở nước ta pháp luật về giá và thuế đều đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh niêm yết công khai giá các loại hàng hóa, dịch vụ. Tiêu chuẩn kế toán cho phép việc hoạch toán những khoản giảm trừ doanh thu, cắt giảm chi phí, giá bán hàng thông qua nhiều phương thức khác nhau. Điều kiện quan trọng là việc làm đó cần được hoạch toán, biểu diễn trên hồ sơ, chứng từ một cách rõ ràng và trung thực. Cơ sở pháp lý này là tiền đề khá thuận lợi để đặt ra yêu cầu về tính “sẵn có” nói trên trong việc đánh giá về sự tác động của hành vi phân biệt giá.

Bốn là, Luật Cạnh tranh cần mở rộng phạm vi xử lý đối với hành vi phân biệt giá được doanh nghiệp áp dụng đối với khách hàng là người tiêu dùng cuối cùng. Bởi lẽ, bên cạnh nội dung bảo vệ lợi ích của các chủ thể kinh doanh, một trong những nhiệm vụ khá trọng yếu của pháp luật cạnh tranh là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Quan điểm pháp lý của các nhà lập pháp cũng đồng nhất và được phản ánh trong Khoản 2 Điều 4 Luật Cạnh tranh: “Việc cạnh tranh phải được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng…”.

Trên thực tế, hiện có rất nhiều doanh nghiệp đang thực hiện hành vi mang dấu hiệu của phân biệt giá và phần nào đó đã làm khuynh đảo thị trường: các ngân hàng lớn mặc nhiên phân loại khách hàng để chọn lựa và áp dụng mức lãi suất phân biệt khi cấp tín dụng, đẩy các khách hàng nhỏ lẻ và ngân hàng non trẻ vào sân sau; các hãng hàng không mặc nhiên áp dụng mức giá rẻ cho các khách hàng trên cùng chuyến bay thường nhật; các hãng viễn thông không dành sự ưu ái đồng đều mà chỉ tập trung vào phân khúc thị trường có áp lực cạnh tranh gay gắt trong các cuộc đua khuyến mãi;… Thậm chí, họ còn cho đó là kinh nghiệm kinh doanh bình thường, đôi khi có chút sáng tạo. Quy định của Luật Cạnh tranh đã cho thấy, nền pháp lý hiện đại của chúng ta không đồng nhất quan điểm, nhưng để ghi nhận và phủ nhận tới đâu thì nhất thiết phải phụ thuộc vào kết quả phân tích ý nghĩa kinh tế và tác động của chúng đối với đời sống xã hội.

(1) Điều 29 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP.

(2) Điều 2 Luật Cạnh tranh và Điều 2 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP.

(3) Đọc thêm: Prudential mua lại AIA: Thị trường có bị chi phối?, Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh, ngày 23/4/2010.

(4) Điều 22 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP.

(5) Lưu ý, với phân biệt giá, việc tăng hay giảm giá được thực hiện đồng thời với việc duy trì các mức giá khác.

(6) Vì mức giá phân biệt là mức giá cao nhất có thể bán.

(7) Đây là trường hợp hạ giá bán thấp để lôi kéo khách hàng và cạnh tranh tìm kiếm thị phần.

(Cool Định giá hủy diệt. Pháp luật cạnh tranh Việt Nam gọi là hành vi bán giá thấp nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

(9) Khoản 3 Điều 3 Luật Cạnh tranh.

(10) Nguyễn Như Phát, Nguyễn Ngọc Sơn, Phân tích và luận giải các quy định của Luật Cạnh tranh về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền để hạn chế cạnh tranh, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr. 180.

(Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 196-thang-6-2011 ngày 10/06/2011) ThS. Trương Trọng Hiểu - Khoa Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết