SVLAW.7FORUM.BIZ 2014
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
SVLAW.7FORUM.BIZ 2014

Thế giới ngày mai thuộc về những người có tầm nhìn hôm nay - ROBERT SCHULLER

Đăng Nhập

Quên mật khẩu



FAVORITES

Cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp - Quyết sách lớn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu Cash_register Đăng ký
Cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp - Quyết sách lớn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu Menu-home Home
Cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp - Quyết sách lớn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu Menu-community Forum

APPS

Cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp - Quyết sách lớn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu Menu-newcontent Xem nội dung mới
Cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp - Quyết sách lớn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu Menu-quicknavigation Hộp thư

MORE

Cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp - Quyết sách lớn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu Menu-more Lý lịch
Cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp - Quyết sách lớn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu Menu-reglas Trợ giúp
Cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp - Quyết sách lớn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu Likes_flag Ban quản trị

OTHERS

Cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp - Quyết sách lớn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu Date Lịch
Cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp - Quyết sách lớn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu Cake Thống kê

Latest topics

» TỔNG HỢP TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH LUẬT
by tdung67 Wed Mar 22, 2017 2:57 pm

» ĐỀ THI TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ NGOÀI HỢP ĐỒNG (ĐỀ 2)
by tdung67 Mon May 30, 2016 9:24 am

» [HOT] 400 CÂU TRẮC NGHIỆM KIẾN THỨC NGÂN HÀNG (CÓ ĐÁP ÁN THAM KHẢO)
by duyenvinh Wed Mar 09, 2016 10:03 am

» Phương pháp học tiếng anh mới nhất
by thanhnam9187 Thu Mar 03, 2016 8:52 am

» Quản lí nhà nước về hộ tịch
by minhthuc Mon Feb 29, 2016 3:13 pm

» Anh chị nào học luật ngân sách nhà nước rồi có thể hướng dẫn em làm bài tập bên dưới được không ạ? e cảm ơn nhiều ạ :x :x :x
by hihu2016 Sun Feb 28, 2016 8:34 pm

» Tổng hợp đề thi Luật TMQT
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:52 pm

» Đề thi Công pháp quốc tế
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:51 pm

» Đề thi Luật Thương Mại
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:50 pm

» Trang web tổng hợp đề thi trường Luật
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:48 pm


You are not connected. Please login or register

Cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp - Quyết sách lớn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

librarian

librarian
Thành viên cấp 4
Thành viên cấp 4

Từ năm 2008, kinh tế thế giới bước vào thời kỳ suy thoái nặng nề do chịu tác động bởi sự khủng hoảng thị trường bất động sản và thị trường tài chính của Hoa Kỳ. Theo ước tính, thua lỗ toàn cầu do khủng hoảng tín dụng bất động sản của Mỹ có thể lên đến 1.400 tỷ USD. Để ngăn chặn tác động của khủng hoảng này, các quốc gia trên thế giới phải cam kết chi số tiền khổng lồ khoảng 3.200 tỷ USD1. Có thể nói, khủng hoảng kinh tế đã gây tổn thương nền kinh tế của nhiều quốc gia và kéo dài hơn dự kiến2. Việt Nam ít nhiều cũng bị ảnh hưởng chung, dù không nghiêm trọng như nhiều nước khác nhưng phần nào cũng tác động tiêu cực đến hoạt động của hơn nửa triệu doanh nghiệp (DN) trong nền kinh tế. Trước hoàn cảnh bất lợi đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các chính sách lớn để ứng phó kịp thời với khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh sử dụng các biện pháp kích thích tài chính để vực dậy nền kinh tế, ổn định vĩ mô, Nhà nước Việt Nam còn đẩy mạnh hoàn thiện thể chế môi trường kinh doanh cho các DN, trong đó nổi bật nhất là chính sách cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, đặc biệt là TTHC liên quan đến DN. Việc làm này là hết sức cần thiết nhằm mục đích giảm bớt các TTHC rườm rà, không cần thiết, góp phần tiết kiệm được cho DN thời gian, công sức, tiền bạc3 đồng thời tạo lập được một môi trường kinh doanh lành mạnh có đủ khả năng cạnh tranh với các nền kinh tế khác trong khu vực và thế giới. Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 02/2/2009 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa X về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đã khẳng định: “Cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế… Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các luật có liên quan; đơn giản hơn nữa các thủ tục hành chính, công khai mọi quy trình, thủ tục cấp phép hoạt động, đăng ký kinh doanh, đầu tư, nộp thuế...”4

Đầu năm 2007, khi các dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế toàn cầu biểu hiện, Thủ tướng Chính phủ đã k‎ý Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg về Phê duyệt đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính nhà nước giai đoạn 2007-2010 (hay còn gọi là Đề án 30). Tiếp đó, hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để đẩy nhanh tiến trình cải cách TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là trong năm 2010 như Nghị quyết số 25/2010/NQ-CP của Chính phủ ngày 02/06/2010 về đơn giản hoá 258 thủ tục hành chính ưu tiên, Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/06/2010 về kiểm soát thủ tục hành chính… Có thể nói, chính sự ra đời của các văn bản quy phạm pháp luật trên đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm giúp cho chủ trương cải cách TTHC của Đảng nhanh chóng đi vào thực tiễn, đồng thời thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc xây dựng một nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, kéo giảm tệ tham nhũng trong đội ngũ nhân viên nhà nước. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

2. Những đột phá của pháp luật doanh nghiệp đến tiến trình cải cách thủ tục hành chính trong năm 2010

Năm 2010 được đánh giá là một trong những năm có nhiều đột phá nhất về cải cách TTHC trong pháp luật DN Việt Nam, điều này được thể hiện ở các phương diện sau :

Thứ nhất, cải cách TTHC trong lĩnh vực thành lập DN:

Thành tựu quan trọng hàng đầu trong cải cách TTHC liên quan đến DN trong năm 2010 là sự kiện Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 về đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN). Theo đó, lần đầu tiên đã tiến hành hợp nhất quy trình đăng ký kinh doanh (ĐKKD) với đăng ký thuế, nhằm giảm bớt thủ tục cho nhà đầu tư (NĐT) khi gia nhập thị trường và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Theo quy định tại Nghị định 43/2010/NĐ-CP thì khái niệm ĐKDN được hiểu bao gồm hai nội dung là ĐKKD và đăng ký thuế đối với các loại hình DN thành lập theo Luật DN 2005. Thay vì NĐT phải tiến hành thủ tục ĐKKD tại cơ quan ĐKKD rồi sau đó sang cơ quan thuế để đăng ký mã số thuế như trước đây, thì từ ngày 01/06/2010, NĐT chỉ cần làm một thủ tục tại cơ quan đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sau đó, cơ quan này có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan khác để cấp Giấy chứng nhận ĐKDN, trong đó thống nhất mã số DN đồng thời là mã số thuế. DN sẽ sử dụng mã số DN để kê khai nộp tất cả các loại thuế trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả thuế xuất khẩu, nhập khẩu mà DN từng phải kê khai và làm thủ tục độc lập trước đó.

Bên cạnh đó, Nghị định 43/2010/NĐ-CP đã xác định được một trình tự, thủ tục thành lập DN đơn giản, hiện đại bằng việc mở rộng phương thức ĐKDN cho NĐT. NĐT không cần thiết phải tiến hành thủ tục ĐKDN trực tiếp bằng hồ sơ giấy như trước mà hiện tại, họ có thể ĐKDN trực tuyến qua Cổng thông tin ĐKDN quốc gia, “hồ sơ đăng ký DN nộp qua Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia có giá trị pháp lý như hồ sơ nộp bằng bản giấy”5. Hơn nữa, những vấn đề liên quan đến thay đổi nội dung ĐKDN đều có thể thực hiện trực tuyến, tạo tiện lợi cho DN rất nhiều6. Ngoài ra, để giảm phiền hà cho NĐT, Nhà nước còn cho phép “DN có thể nhận Giấy chứng nhận ĐKDN trực tiếp tại Phòng ĐKKD cấp tỉnh nơi DN đặt trụ sở chính hoặc đăng ký, trả phí để nhận Giấy chứng nhận ĐKDN qua dịch vụ chuyển phát7”. Việc Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định ĐKDN được thực hiện qua hệ thống đăng ký DN quốc gia đã làm giảm thời gian cấp giấy chứng nhận ĐKDN xuống chỉ còn là 5 ngày, thay vì 10 ngày như trước đây8. Nhờ có quy định ĐKDN được thực hiện qua hệ thống đăng ký DN quốc gia mà bắt đầu từ ngày 01/01/2011, việc chống trùng, nhầm lẫn tên DN trên phạm vi 63 tỉnh, thành mới thực hiện được theo đúng yêu cầu Nghị định 43/2010/NĐ-CP đề ra. Trên cơ sở này, sự phối hợp giữa cơ quan ĐKKD với cơ quan thuế, các cơ quan hữu quan khác trở nên liên thông, giúp cho cơ chế “một cửa, một dấu” trong cải cách TTHC phát huy hiệu quả.

Dựa trên kết quả của cải cách mạnh mẽ về thủ tục thành lập DN này của Việt Nam, khi đưa ra Báo cáo đánh giá về Môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2011 (công bố ngày 03/10/2010), Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có sự cải cách nhất về môi trường kinh doanh, đặc biệt cải cách thủ tục thành lập DN. Việt Nam đã thăng tiến 10 bậc, vươn lên vị trí thứ 78 (thay cho vị trí thứ 88 của năm 2010), trong đó, riêng lĩnh vực thành lập DN, Việt Nam là một trong những quốc gia được nhìn nhận có sự thăng tiến mạnh mẽ nhất: từ vị trí thứ 114 của năm 2010 lên vị trí thứ 100, tức là tăng đến 14 bậc9. Thành quả đó có thể khẳng định là nhờ đóng góp không nhỏ từ việc Chính phủ ban hành Nghị định 43/2010/NĐ-CP.

Thứ hai, những cải tiến trong thủ tục giải thể và tổ chức lại DN

Ngày 01/10/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2010/NĐ-CP để quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật DN 2005, thay thế cho Nghị định 139/2007/NĐ-CP. Nghị định 102/2010/NĐ-CP có nhiều điểm mới, tiến bộ hơn hẳn trong việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh DN ở Việt Nam, trong số đó có quy định hợp lý hơn về hồ sơ giải thể DN, giúp cho các DN làm thủ tục chấm dứt hoạt động được suôn sẻ hơn. Trước đây, theo quy định tại Nghị định 139/2007/NĐ-CP thì trong hồ sơ giải thể DN, NĐT sẽ phải nộp cho cơ quan ĐKKD con dấu, giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu, số hoá đơn giá trị gia tăng chưa sử dụng và giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế. Tuy nhiên, quy định này không có tính khả thi trên thực tế, vì cơ quan ĐKKD ngần ngại khi tiếp nhận các hồ sơ trêntrực tiếp từ DN. Vì theo quy định hiện hành, việc quản lý con dấu thuộc trách nhiệm của cơ quan công an, còn việc quản lý hoá đơn và thuế của DN lại thuộc phạm vi của cơ quan thuế. Cơ quan ĐKKD không thể nắm và làm thay công việc của các cơ quan này. Nhưng nay theo Nghị định 102/2010/NĐ-CP, thay vì nộp các loại hồ sơ trên, DN sẽ nộp xác nhận của cơ quan công an về huỷ con dấu và xác nhận cơ quan thuế về hoàn thành nghĩa vụ thuế. Như vậy, trước khi nộp hồ sơ giải thể DN, DN sẽ nộp con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an và đồng thời xin giấy xác nhận huỷ con dấu; nộp số hoá đơn VAT chưa sử dụng và giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế tại cơ quan thuế và đồng thời xin xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế. Với sự điều chỉnh này, thủ tục giải thể DN đã không phải gặp trở ngại nhiều vì vướng quy định pháp luật bất cập như thời gian qua.

Bên cạnh đó, ngày 27/12/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/2010/NQ-CP về đơn giản hoá TTHC thuộc chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo đó, khi làm thủ tục chuyển đổi DN tư nhân thành công ty TNHH thì NĐT chỉ cần nộp 01 bộ hồ sơ duy nhất cho cơ quan ĐKKD mà thôi. Bởi lẽ, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007 cho phép DN tư nhân có thể chuyển đổi sang thành công ty TNHH một thành viên, thực tế triển khai gặp những vướng mắc nhất định, chẳng hạn, số lượng hồ sơ mà DN tư nhân phải nộp khi chuyển đổi thì chưa có quy định nào chỉ rõ là nộp bao nhiêu bộ, dẫn đến cách hiểu khác nhau và thực hiện khác nhau ở nhiều địa phương. Vì vậy, việc quy định rõ số bộ hồ sơ phải nộp là 01 bộ đã thể hiện sự minh bạch cũng như tạo thuận lợi cho DN khi tiến hành chuẩn bị thực hiện TTHC. Ngoài ra, hồ sơ chuyển đổi DN tư nhân thành công ty TNHH còn được đơn giản hóa tối đa khi Chính phủ chính thức bỏ nhiều loại giấy tờ ra khỏi hồ sơ chuyển đổi như: Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế, thời hạn thanh toán; danh sách người lao động hiện có; danh sách các hợp đồng chưa thanh lý; văn bản thỏa thuận với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty TNHH chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó10. Người thực hiện thủ tục chuyển đổi cũng không phải nộp văn bản cam kết của chủ DN tư nhân hoặc thỏa thuận giữa chủ DN tư nhân và các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của DN tư nhân.

Thứ ba, cải tiến đối với thủ tục hoá đơn của DN

Ngày 14/05/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thay thế cho Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002. Có thể nói, sự ra đời của Nghị định 51/2010/NĐ-CP đã làm thay đổi toàn bộ nhận thức và công tác thực hiện về hóa đơn, chứng từ áp dụng đối với DN trên toàn quốc, đáp ứng được yêu cầu quan trọng trong cải cách TTHC mà DN mong mỏi bấy lâu nay.

Một trong những điểm tiến bộ quan trọng nhất mà Nghị định 51/2010/NĐ-CP đem lại là trao quyền tự chủ cho DN trong việc sử dụng hóa đơn, khi cơ quan thuế không còn bán hóa đơn và không chịu trách nhiệm về hóa đơn phát hành như trước năm 2011 nữa. Theo đó, những thắc mắc của DN về thủ tục mua hóa đơn và tình trạng xếp hàng chờ mua hóa đơn tại cơ quan thuế cũng được xóa bỏ. Nếu như trước năm 2011, theo quy định tại Nghị định 89/2002/NĐ-CP thì bất kỳ DN nào sau khi đã hoàn tất các thủ tục ĐKKD, đăng kí thuế, khắc dấu thì DN còn phải tiến hành thủ tục mua hoá đơn để sử dụng cho các giao dịch mà DN thực hiện với các đối tác của mình. Mặc dù Nghị định 89/2002/NĐ-CP cho phép các DN có thể tự in hoá đơn để đưa vào sử dụng, nhưng khi in hoá đơn, DN cũng không chủ động được mà còn phải làm thêm thủ tục gửi văn bản để cơ quan thuế chấp thuận trước khi đặt in. Trên thực tế không có nhiều DN trong tổng số nửa triệu DN thực hiện được việc tự in hoá đơn, mà chủ ‎yếu là họ vẫn phải mua hoá đơn từ phía cơ quan thuế.

Tuy nhiên, kể từ ngày 01/11/2011, theo quy định của Nghị định 51/2010/NĐ-CP, cơ quan thuế sẽ không bán hóa đơn, DN phải sử dụng hóa đơn tự in, đặt in hoặc hóa đơn điện tử. Các DN sẽ được quyền chủ động lựa chọn tự in hoặc đặt hóa đơn, DN không phải gửi văn bản để cơ quan thuế chấp nhận trước khi tự in, để đặt in… Đây là một bước ngoặt trong cải cách TTHC cho DN, phù hợp với xu thế chung của thế giới trong quản lý thuế đối với DN. Bởi vì, trong một thời gian dài, lĩnh vực thuế được đánh giá là một trong những lĩnh vực bị DN kêu ca nhiều nhất về TTHC. Ngay cả Ngân hàng Thế giới (WB), khi đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2010 đã chỉ ra rằng, DN ở Việt Nam hàng năm phải tốn hơn 1.050 giờ chỉ để làm việc với cơ quan thuế nhất là trong việc mua và quyết toán hoá đơn của DN, trong khi ở Singapore thì DN của họ chỉ mất có 84 giờ/năm để làm thủ tục thuế11. Hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng đã không sử dụng hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành mà DN phải tự in hóa đơn. Tự quyết định in và sử dụng hoá đơn sẽ giúp cho DN chủ động hơn, dành được nhiều thời gian cho sản xuất, kinh doanh, chứ không phải mất quá nhiều thời gian như vừa qua chỉ để làm thủ tục mua hoá đơn, kê khai tình hình sử dụng hoá đơn, ảnh hưởng đến hoạt động chung của DN.

3. Còn những vấn đề pháp lý

Bên cạnh những đột phá nổi bật về cải cách TTHC trong năm 2010, pháp luật DN Việt Nam cũng còn có những hạn chế nhất định ảnh hưởng đến hiệu quả của tiến trình cải cách TTHC trên thực tế, điều này thể hiện qua những nội dung sau :

Một là, Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định thời hạn cấp ĐKDN là 05 ngày (bao gồm cả cấp ĐKKD và đăng ký thuế) đã gây áp lực rất lớn cho cơ quan ĐKKD tại những địa phương có số lượng DN nhiều như thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Các cơ quan ĐKKD tại hai địa phương này có kham nổi khối lượng công việc đó hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, trước ngày 01/06/2010, khi còn áp dụng Thông tư liên tịch 05/2008/TTLT/BKHĐT-BTC-BCA thì tỷ lệ cấp ĐKKD đúng hẹn đạt 99%, số hồ sơ bị trễ hẹn chủ yếu là hồ sơ phải tham khảo ý kiến quận, huyện về ngành nghề nhạy cảm như kinh doanh khách sạn, ngành có khả năng gây ô nhiễm12. Nay làm theo Nghị định 43/2010/NĐ-CP thì phần nhiều các hồ sơ thành lập DN tại thành phố Hồ Chí Minh đều trễ hẹn, không đảm bảo đúng 05 ngày cấp ĐKDN như quy định13. Thiết nghĩ, quy định cấp ĐKDN trong vòng 05 ngày là quá ngắn, nhiều khi lại có tác dụng ngược là làm chậm quá trình giải quyết ĐKDN cho NĐT vì tình trạng “quá tải” ở các cơ quan ĐKKD14. Theo Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến ngày 20/05/2010, đã có trên 9.500 DN thành lập mới và gần 15.000 DN đăng ký thay đổi nội dung kinh doanh và tăng vốn. Tức là trung bình mỗi ngày, cơ quan này phải giải quyết 67 hồ sơ ĐKKD và 107 hồ sơ thay đổi nội dung ĐKKD15. Với số lượng hồ sơ như vậy, trong khi nhân sự chỉ dừng lại ở con số 50 người thì khó đáp ứng được yêu cầu mà Nghị định 43/2010/NĐ-CP đề ra.

Ngoài ra, Nghị định 43/2010/NĐ-CP chỉ đề cập đến việc ĐKDN, tức là chỉ áp dụng đối với các chủ thể kinh doanh như công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh, DN tư nhân hoạt động theo Luật DN 2005 mà không phục vụ đăng ký cho các loại hình kinh doanh khác như ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, DN khoa học công nghệ... Thậm chí, việc ĐKKD cho hợp tác xã theo quy định tại Luật Hợp xã (2003) cũng không được đề cập, dù Luật Hợp tác xã cho phép các hợp tác xã vẫn có thể lựa chọn thành lập ở cơ quan ĐKKD cấp tỉnh. Ngay cả đối với DN nhà nước, khi họ đến đăng ký chuyển đổi theo luật định thì cũng không được16. Hoàn cảnh này đẩy cơ quan ĐKKD vào thế rất khó xử: nếu như DN, theo Luật DN 2005 có thể đăng ký trực tuyến và trực tiếp theo trình tự ghi tại Nghị định 43/2010/NĐ-CP, thì các hợp tác xã và DN thuộc luật chuyên ngành điều chỉnh lại phải ĐKKD trực tiếp, chứ không trực tuyến. Nguyên nhân là do hệ thống kết nối chưa cho phép áp dụng lên toàn bộ DN và hợp tác xã, đồng thời phần mềm mà Nhà nước xây dựng chỉ áp dụng cho DN thuộc sự điều chỉnh của Luật DN 2005 thôi. Điều này đã khiến cho cơ quan ĐKKD hết sức lúng túng: không lẽ duy trì nhiều hệ thống ĐKKD cùng một lúc để giải quyết cùng một vấn đề mà trong quá khứ họ chưa từng gặp bao giờ? Hơn nữa, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 14/2010/TT-BKHĐT để hướng dẫn Nghị định 43/2010/NĐ-CP chậm trễ cũng gây khó khăn cho cả hai phía, DN và cơ quan ĐKKD. Nghị định 43/2010/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/06/2010, nhưng mãi đến ngày 04/06/2010 thì Thông tư 14/2010/TT-BKHĐT mới được ban hành và ngày có hiệu lực của Thông tư này là từ ngày 20/07/2010. Đáng lẽ ra Thông tư 14/2010/TT-BKHĐT phải được ban hành sớm hơn để cùng Nghị định 43/2010/NĐ-CP nhanh chóng đưa thủ tục ĐKDN mới đi vào thực tiễn trong thời gian sớm nhất, nhưng thực tế thì ngược lại. Sự chậm trễ này khiến cho cơ quan ĐKKD phải chờ đợi và rơi vào trạng thái bị động do các biểu mẫu, giấy tờ, hồ sơ theo quy định mới có sự thay đổi đáng kể so với quy định cũ. Vì vậy, một số cơ quan ĐKKD phải “ngâm” hồ sơ thành lập DN và chờ Thông tư 14/2010/TT-BKHĐT ra đời rồi mới giải quyết ĐKDN, làm lỡ cơ hội kinh doanh của NĐT.

Hai là, vấn đề trở lực từ giấy phép kinh doanh. Có thể nói, mặc dù thủ tục thành lập DN tại Nghị định 43/2010/NĐ-CP được cải tiến thông thoáng, đem lại tiện lợi nhiều cho DN so với trước đây, nhưng một thực trạng đáng lo là các loại giấy phép kinh doanh (còn gọi là giấy phép “con”) vẫn còn tồn tại nhiều, “nối dài” TTHC cho DN. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tính đến tháng 03/2010, cả nước có khoảng 315 giấy phép kinh doanh các loại đang tồn tại trong nền kinh tế17. Bình quân một DN vẫn cần đến 4,14 giấy phép kinh doanh các loại và 14,56% DN đánh giá rằng, rất khó khăn để có đủ các loại giấy phép này18. Có thể nói giấy phép kinh doanh là đỉnh cao của sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh, là biểu hiện của sự hạn chế quyền tự do kinh doanh19 của DN trên thực tế, đó cũng đồng thời là tác nhân làm giảm hiệu quả của tiến trình cải cách TTHC của pháp luật DN, tạo thêm các chi phí tốn kém không cần thiết cho DN. Điều đó đặt ra yêu cầu bên cạnh cải cách thủ tục thành lập DN thì cần phải có cuộc “đại phẫu” đối với vấn đề giấy phép “con” nữa thì hiệu quả cải cách TTHC đối với DN mới thực sự có hiệu quả trên thực tế.

Ba là, Nghị định 51/2010/NĐ-CP do Chính phủ ban hành về hoá đơn doanh nghiệp dù được ghi nhận là có nhiều chuyển biến quan trọng trong TTHC nhưng theo nhiều DN thì quy định về tự in hoá đơn chỉ thực sự phát huy hiệu quả và phù hợp với các DN có quy mô lớn, cần xuất nhiều hoá đơn trong tháng, còn đối với các doanh nghiệp nhỏ thì điều này là không phù hợp, gây lãng phí cho DN. Nhiều DN nhỏ băn khoăn, nếu họ in hoá đơn với số lượng ít khoảng từ 10 – 20 cuốn thì nhà in có nhận in không? Ở các công ty, văn phòng luật nhu cầu về hóa đơn không nhiều, không nhất thiết phải in hàng trăm cuốn hóa đơn một lúc. Các DN nhỏ và vừa họ lại phải tốn thêm một khoản tiền mà trước đây không tốn đó là tiền thuê thiết kế mẫu và in hóa đơn. Còn nếu cho phép DN in hóa đơn điện tử thì sẽ xảy ra tình trạng hóa đơn giả và cuối cùng DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vậy, Nhà nước có biện pháp nào khắc phục tình trạng này? Đó cũng là những vấn đề vướng mắc hiện nay, cần sự điều chỉnh lại cho phù hợp từ phía Nhà nước trong thời gian tới.

(1) Xem: TS. Nguyễn Minh Quang và TS. Đoàn Xuân Thuỷ (đồng chủ biên): “Chính sách ứng phó với khủng hoảng kinh tế của Việt Nam”, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2010, tr 27.

(2) Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu đang chậm hơn so với dự kiến. Theo OECD, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhóm G7 có thể ở mức 1,5% trong nửa cuối năm 2010, thấp hơn so với dự báo 1,75% mà tổ chức này đã đưa ra hồi tháng 5/2010 (Xem: Nguyễn Quang Thái:“Kinh tế thế giới phục hồi chậm trong khó khăn”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Số 3 (11) tháng 09/2010.

(3) Theo Báo cáo số 82/BC-CP của Chính phủ ngày 16/6/2010, số tiền tiết kiệm được từ việc tiến hành cải cách TTHC cho người dân và doanh nghiệp khoảng 5.700 tỷ đồng/năm, tr 5.

(4) Nguồn: www.cpv.org.vn

(5)Xem: Khoản 4 Điều 27 Nghị định 43/2010/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15/04/2010 và có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/06/2010.

(6) Ông Hồ Sĩ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KHĐT) cho biết“Sau khi Hệ thống thông tin đăng ký DN đi vào vận hành, DN sẽ giảm chi phí và thời gian hoàn tất thủ tục đăng ký, do nhiều quy trình sẽ được tự động hóa, giảm thời gian đăng ký kinh doanh, đồng thời giảm thiểu số lượng hồ sơ bị trả lại. Bên cạnh đó, sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thông tin có giá trị pháp lý của DN trên phạm vi toàn quốc, DN sẽ có nhiều cơ hội để chủ động tìm hiểu thông tin pháp lý về đối tác, bạn hàng... thông qua dịch vụ cung cấp thông tin của Hệ thống” (truy cập tại địa chỉ www.vietstock.vn ngày 16/08/2010.

(7)Khoản 5 Điều 18 Thông tư số 14/2010/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch & Đầu tư ban hành ngày 04/06/2010 và Điều 29 Nghị định 43/2010/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15/04/2010

(Cool Ờ Thành phố Hồ Chí Minh theo phát biểu của Bà Trần Thị Bình Minh, Trưởng Phòng ĐKKD thuộc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM trong bài “Khai sinh DN chỉ mất 55 phút” được đăng trên website : www.phapluattp.vn vào ngày 19/10/2010 thì : nếu khai sinh một DN theo quy trình mới tại Nghị định 43/2010/NĐ-CP thì chỉ mất có hai ngày. Chiều ngày 18/10/2010, hồ sơ đầu tiên được nhân viên Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM chuyển qua hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia vào lúc 15 giờ, đến 15 giờ 50 thì hệ thống báo trả kết quả. Do các cơ quan xử lý hồ sơ đều nằm trên một hệ thống nên thời gian khai sinh một DN chỉ mất 55 phút!

(9)Để tìm hiểu thêm có thể truy cập vào địa chỉ thttp://www.doingbusiness.org/rankingshttp://www.doingbusiness. org/data/exploretopics/starting-a-business

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) thì thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện tại là 1.010 USD/năm.

(10)Xem Phần I, Mục I.21.a Nghị quyết 70/2010/NQ-CP ngày 27/12/2010 của Chính phủ về phê duyệt Phương án đơn giản hoá TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(11) Nguồn: www.Doingbusiness.org

(12) http://phapluattp.vn/272430p0c1014/thieu-quy-dinh-but-sa-ga-chet.htm ngày 02/10/2009

(13) Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh

(14) Ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trong phát biểu đăng trên www.dddn.com.vn ngày 13/01/2011 đã cho biết: Khi áp dụng cơ chế một cửa, cơ quan chức năng mong muốn đơn giản hóa thủ tục và giảm phiền hà cho DN. Thế nhưng, do việc cập nhật khối lượng lớn dữ liệu mà cán bộ làm công việc này lại ít, thành ra tưởng là đơn giản lại hóa thành làm khổ DN. Bản thân các cán bộ làm công việc cấp GPKD cũng rất vất vả về điều này.

(15) http://www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/phapluat/36612/

(16) Trích phát biểu của Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh được đăng tải trên Thời báo Kinh tế Việt Nam tại địa chỉ http://vneconomy.vn/20100605052849566p0c5/song-do-chet-do-voi-he-thong-dang-ky-kinh-doanh-moi.htm ngày 07/06/2010

(17)Xem “Hoàn thiện pháp luật về thủ tục hành chính trong đầu tư” của TS. Vũ Thị Hoài Phương đăng trên Tạp chí Tổ chức Nhà nước, số tháng 03/2010.

(18) Phát biểu của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đăng tải tại www.vneconomy.vn ngày 25/09/2007

(19) TS. Bùi Ngọc Cường, “Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành ở Việt Nam”, Sách chuyên khảo, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2004, trang 106.

(Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 195-thang-5-2011 ngày 20/05/2011) ThS. Trần Huỳnh Thanh Nghị - Khoa Luật Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết