SVLAW.7FORUM.BIZ 2014
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
SVLAW.7FORUM.BIZ 2014

Thế giới ngày mai thuộc về những người có tầm nhìn hôm nay - ROBERT SCHULLER

Đăng Nhập

Quên mật khẩu



FAVORITES

Tìm hiểu thêm về bầu cử Tổng thống và nghị sỹ ở Pháp  Cash_register Đăng ký
Tìm hiểu thêm về bầu cử Tổng thống và nghị sỹ ở Pháp  Menu-home Home
Tìm hiểu thêm về bầu cử Tổng thống và nghị sỹ ở Pháp  Menu-community Forum

APPS

Tìm hiểu thêm về bầu cử Tổng thống và nghị sỹ ở Pháp  Menu-newcontent Xem nội dung mới
Tìm hiểu thêm về bầu cử Tổng thống và nghị sỹ ở Pháp  Menu-quicknavigation Hộp thư

MORE

Tìm hiểu thêm về bầu cử Tổng thống và nghị sỹ ở Pháp  Menu-more Lý lịch
Tìm hiểu thêm về bầu cử Tổng thống và nghị sỹ ở Pháp  Menu-reglas Trợ giúp
Tìm hiểu thêm về bầu cử Tổng thống và nghị sỹ ở Pháp  Likes_flag Ban quản trị

OTHERS

Tìm hiểu thêm về bầu cử Tổng thống và nghị sỹ ở Pháp  Date Lịch
Tìm hiểu thêm về bầu cử Tổng thống và nghị sỹ ở Pháp  Cake Thống kê

Latest topics

» TỔNG HỢP TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH LUẬT
by tdung67 Wed Mar 22, 2017 2:57 pm

» ĐỀ THI TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ NGOÀI HỢP ĐỒNG (ĐỀ 2)
by tdung67 Mon May 30, 2016 9:24 am

» [HOT] 400 CÂU TRẮC NGHIỆM KIẾN THỨC NGÂN HÀNG (CÓ ĐÁP ÁN THAM KHẢO)
by duyenvinh Wed Mar 09, 2016 10:03 am

» Phương pháp học tiếng anh mới nhất
by thanhnam9187 Thu Mar 03, 2016 8:52 am

» Quản lí nhà nước về hộ tịch
by minhthuc Mon Feb 29, 2016 3:13 pm

» Anh chị nào học luật ngân sách nhà nước rồi có thể hướng dẫn em làm bài tập bên dưới được không ạ? e cảm ơn nhiều ạ :x :x :x
by hihu2016 Sun Feb 28, 2016 8:34 pm

» Tổng hợp đề thi Luật TMQT
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:52 pm

» Đề thi Công pháp quốc tế
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:51 pm

» Đề thi Luật Thương Mại
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:50 pm

» Trang web tổng hợp đề thi trường Luật
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:48 pm


You are not connected. Please login or register

Tìm hiểu thêm về bầu cử Tổng thống và nghị sỹ ở Pháp

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

librarian

librarian
Thành viên cấp 4
Thành viên cấp 4

Trong một cuộc bầu cử, một trong những nội dung quan trọng nhất là đảm bảo quyền ứng cử tự do và bình đẳng. Để trở thành một ứng cử viên, một công dân phải có những tiêu chuẩn của một ứng cử viên (điều kiện về nội dung) và phải tuân theo các quy trình, thủ tục ứng cử (điều kiện về hình thức). Quyền ứng cử tự do và bình đẳng của công dân chỉ hiện hữu khi cả hai điều kiện trên là tự do và bình đẳng. Nếu một người có đầy đủ quyền ứng cử, nhưng những thủ tục ứng cử hạn chế quyền đó thì người đó không thể hoặc khó có thể hiện thực hóa được các quyền của mình. Bài viết này giúp tìm hiểu những quy trình, thủ tục ứng cử và đề cử trong cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử Nghị viện ở Pháp, đồng thời làm rõ một số nội dung về lý luận và thực tiễn của vấn đề này.

1. Bầu cử Tổng thống Pháp

Trong thời kỳ đầu của nền Cộng hòa thứ 5 theo bản Hiến pháp 1958 của Pháp, Tổng thống được bầu gián tiếp thông qua Tuyển cử đoàn gồm khoảng 82.000 đại biểu (bao gồm các nghị sỹ và đại diện các cơ quan đại diện ở địa phương)1. Tuy nhiên, từ năm 1962, một sửa đổi Hiến pháp quan trọng đã cho phép tiến hành bầu cử Tổng thống một cách trực tiếp, tức Tổng thống do người dân trực tiếp bầu ra, chứ không phải qua Tuyển cử đoàn. Người trở thành Tổng thống phải đạt được đa số phiếu trực tiếp từ cử tri trên toàn quốc. Nếu không đạt được đa số phiếu trực tiếp tại vòng một, hai người có số phiếu cao nhất ở vòng đầu tiên sẽ tham gia cuộc bầu cử lần vòng hai, và ứng viên nào được đa số phiếu cử tri sẽ trở thành Tổng thống.

Muốn trở thành một ứng cử viên Tổng thống, trước hết, người đó phải thỏa mãn các điều kiện của một cử tri, như có tuổi từ 23 trở lên và đã hoàn thành các nghĩa vụ quốc gia. Các điều kiện ứng cử Tổng thống về cơ bản giống với các điều kiện ứng cử Nghị sỹ. Ngoài các quy định về tiêu chuẩn ứng cử viên tổng thống, để có thể được chọn trong danh sách chính thức, các ứng cử viên phải tuân theo một quy trình mang tính hình thức2. Đó là quy trình giới thiệu ứng cử viên.

1.1. Giới thiệu ứng cử viên Tổng thống thông qua các đại biểu dân cử

Ứng cử viên phải được giới thiệu bởi các đại biểu dân cử từ nhiều cơ quan khác nhau, cả ở trung ương lẫn địa phương. Lúc đầu, ứng cử viên phải được sự giới thiệu của ít nhất 100 đại biểu dân cử đại diện 10 các tỉnh khác nhau (département ou territoires) của Pháp. Tuy nhiên, xuất phát từ những đánh giá của Hội đồng Hiến pháp về kết quả bầu cử năm 19743, Nghị viện đã ban hành đạo luật ngày 18/6/1976 để sửa đổi về quy định này , theo đó việc ứng cử của một ứng cử viên chỉ được chấp nhận nếu đảm bảo những điều kiện cụ thể sau4:

- Được giới thiệu bởi ít nhất 500 đại biểu dân cử đại diện cho các tỉnh khác nhau. Các đại biểu này là thành viên của Nghị viện (Thượng nghị viện và Hạ nghị viên), Nghị viện Châu Âu, Hội đồng các vùng, Hội đồng các miền, Hội đồng Paris, Cơ quan dân cử vùng và ngoài nước, Hội đồng tối cao của người Pháp ở nước ngoài, các thị trưởng và chủ tịch các cộng đồng đô thị hoặc khối dân cư. Số lượng người giới thiệu tăng lên từ 100 thành 500 để nhằm sàng lọc tốt hơn các ứng cử viên.

- Những người giới thiệu phải đại diện cho ít nhất 30 tỉnh khác nhau;

- Những người giới thiệu ở một tỉnh không được vượt quá 10% trên tổng số những người giới thiệu. Số lượng này tương đương với mức 50 đại biểu trên 1 tỉnh.

Để đảm bảo tính trung thực và minh bạch của việc giới thiệu ứng cử viên Tổng thống, mỗi người giới thiệu chỉ được quyền đại diện cho duy nhất một ứng cử viên Tổng thống và danh sách những người giới thiệu được đăng Công báo. Nếu số lượng người giới thiệu vượt quá 500, thì 500 người được đăng công báo là số được chọn ra theo hình thức rút thăm ngẫu nhiên.

Các chữ ký giới thiệu ứng cử viên phải được gửi tới Hội đồng Hiến pháp để kiểm tra5 và quyết định danh sách chính thức các ứng cử viên. Danh sách này phải được đăng Công báo ít nhất 15 ngày trước ngày bầu cử vòng 1. Trong danh sách được đăng Công báo, Hội đồng Bảo hiến không nêu rõ lý do việc lựa chọn hay loại bỏ một ứng cử viên nào đó. Tuy vậy, các ứng cử viên được chọn cũng như không được chọn vào danh sách chính thức đều có quyền khiếu nại Hội đồng Hiến pháp về danh sách này. Các ứng viên bị loại có thể khiếu nại quyết định của Hội đồng Bảo hiến về quyết định loại mình ra khỏi danh sách. Và các ứng cử viên trúng cử có thể tố cáo những sai trái của các ứng cử viên khác theo quy định của pháp luật.

Được áp dụng từ nhiều năm nay trong cuộc bầu cử Tổng thống, phương pháp giới thiệu ứng cử viên qua đại biểu dân cử các cấp vẫn gây ra tranh cãi nhất định ở nước Pháp. Trước hết, ý nghĩa của nó là nhằm đảm bảo tính nghiêm túc trong việc ứng cử. Do vậy, việc giới thiệu là một thủ tục sàng lọc các ứng cử viên ra tranh cử Tổng thống. Chỉ những người nào đạt đủ 500 chữ ký giới thiệu thì mới có thể được đưa vào danh sách ứng cử viên chính thức cho cuộc bầu cử Tổng thống. Ngoài ra, nó cũng tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều có thể ứng cử Tổng thống. Những điều kiện về tiêu chuẩn và thủ tục là rõ ràng, công khai. Không ai được tước quyền ứng cử của một ứng cử viên nếu họ có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến chỉ trích về hệ thống giới thiệu này. Việc xin chữ ký ủng hộ để trở thành ứng cử viên Tổng thống đối với các ứng viên nhỏ (ứng cử viên tự do hoặc ứng cử viên của các đảng nhỏ) là rất khó khăn. Một số người đề nghị thay thế hình thức này bằng hình thức lấy/xin chữ ký ủng hộ của một số lượng cử tri nhất định (ví dụ 100.000, 500.000…) trong khi Hội đồng Bảo hiến đã từng đề nghị tăng hơn nữa (gấp đôi) số lượng các đại biểu giới thiệu để nhằm sàng lọc tốt hơn, loại bỏ được những ứng viên không có chất lượng và chọn lựa được những ứng viên có tính đại diện hơn6. Tuy nhiên, điều đó có thể khiến cho cuộc bầu cử trở thành sự độc tôn của các đảng phái. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cân bằng được hai yếu tố: sàng lọc được tốt nhất việc ứng cử và hạn chế sự thống lĩnh của các đảng lớn trong việc giới thiệu ứng cử viên.

Ngoài ra, hình thức này còn làm ảnh hưởng tới kết quả bầu cử. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2002, hình thức này bị chỉ trích vì: thứ nhất, hình thức này đã không hạn chế được số lượng lớn các ứng cử viên Tổng thống, bởi đã có tới 16 ứng cử viên cho chức vụ Tổng thống. Trong số này, có tới 8 ứng cử viên cánh hữu, con số này làm cho số phiếu của ứng cử viên tiềm năng Lionel Jospin bị phân tán và dẫn đến thất bại ngay tại vòng đầu cuộc bầu cử Tổng thống của ứng cử viên này; thứ hai, hình thức này có thể cho phép một đảng gây sức ép đối với các ứng cử viên có sự ủng hộ lớn của công chúng bằng cách gây ảnh hưởng đối với các người có chức vụ quyền hạn (qua các đại biểu giới thiệu), hoặc trái lại, làm phân tán phiếu bầu7.

Như vậy, theo quy định của Hiến pháp Pháp, bất cứ ai có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều có quyền ứng cử Tổng thống thông qua hình thức xin chữ ký giới thiệu của các đại biểu dân cử từ trung ương xuống địa phương. Cách quy định này có những ý nghĩa quan trọng sau: một mặt, quy định này mở rộng cánh cửa bầu cử cho tất cả công dân Pháp; mặt khác, nó cũng là cách thức để sàng lọc các ứng cử viên Tổng thống. Hạn chế của nó là gây khó khăn lớn cho các ứng cử viên nhỏ trong việc trở thành ứng cử viên Tổng thống. Về phương diện này, các đảng phái có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu ứng cử viên thông qua những người giới thiệu. Tuy vậy, sự tham gia của các đảng phái ở Pháp có những đặc thù so với các hệ thống chính trị khác trong việc ứng cử đại biểu tranh cử Tổng thống.

1.2. Các đảng phái với việc giới thiệu ứng cử viên Tổng thống

Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, các đảng có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu ứng cử viên nghị sỹ và Tổng thống thông qua giai đoạn bầu cử sơ bộ - giai đoan đề cử của các đảng. Ở Mỹ, tùy theo hệ thống pháp luật của mỗi bang, cử tri có thể trực tiếp bỏ phiếu chọn ứng cử viên của một đảng hoặc gián tiếp bỏ phiếu bầu đại biểu - những người đã cam kết ủng hộ một ứng viên cụ thể - đi dự hội nghị đảng toàn quốc để chọn ứng cử viên chính thức cho mỗi cuộc bầu cử8. Phương pháp bầu cử sơ bộ cũng được áp dụng thành công ở Italy trong cuộc bầu cử năm 2005 để đề cử ứng cử viên R. Prodi chống lại ứng cử viên S. Berlusconi9. Bầu cử sơ bộ của đảng cho phép các đảng chọn lựa được ứng cử viên ưu tú nhất ra tranh cử Tổng thống.

Ở Pháp, không có quy định hiến pháp nào cấm việc tổ chức bầu cử sơ bộ tại các đảng để giới thiệu ứng cử viên cho chức vụ Tổng thống. Tuy vậy, cho đến trước cuộc bầu cử năm 2007, chưa có một cuộc bầu cử sơ bộ nào được tiến hành ở Pháp. Năm 1991, Liên minh đảng Thống nhất vì nước Pháp (L’Union pour la France) đã soạn thảo Hiến chương bầu cử sơ bộ cho người Pháp để áp dụng cho cuộc bầu cử Tổng thống, song dự án này đã không được thực hiện10. Sự thiếu vắng này xuất phát từ quy định giới thiệu ứng cử viên của các đại biểu dân cử như đã trình bày ở trên. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2007, các cuộc bầu cử sơ bộ đã được tiến hành ở một số đảng, trong đó Đảng UMP đề cử N. Sarkozy và Đảng PS đề cử S. Royal. Hai ứng cử viên đã lọt vào vòng bỏ phiếu thứ 2, trong đó Sarkozy đã được bầu làm Tổng thống.

Mặc dù Hiến pháp không quy định các cuộc bầu cử sơ bộ và thực tế, việc bầu cử sơ bộ chỉ được tiến hành trong cuộc bầu cử gần đây nhất, các đảng phải vẫn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giới thiệu các ứng cử viên tổng thống thông qua các đại diện của đảng ở các cơ quan trung ương và địa phương.



2. Bầu cử nghị viện

Nghị viện Pháp được tổ chức theo mô hình lưỡng viện, bao gồm Thượng nghị viện và Hạ nghị viện. Nếu như Hạ viện được bầu trực tiếp bởi cử tri thì Thượng viện được bầu một cách gián tiếp thông qua Tuyển cử đoàn11. Để trở thành ứng cử viên nghị sỹ, công dân phải có đầy đủ các tiêu chuẩn ứng cử như: đủ tuổi (23 tuổi đối với hạ nghị sỹ và 30 tuổi đối với thượng nghị sỹ); là công dân Pháp; đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ quốc gia; không thuộc các trường hợp mất quyền ứng cử. Phù hợp với nguyên tắc chủ quyền quốc gia, pháp luật của Pháp không quy định điều kiện về chỗ ở như là một điều kiện để ứng cử nghị sỹ. Một công dân có quyền ứng cử ở bất kỳ một đơn vị bầu cử nào mà người đó muốn.

Để trở thành ứng cử viên, ngoài điều kiện về tiêu chuẩn đại biểu, công dân phải tự ứng cử theo quy trình luật định.

2.1. Tự ứng cử

Khác với cuộc bầu cử Tổng thống, trong đó ứng cử viên phải được giới thiệu, thì trong cuộc bầu cử Nghị viện, ứng cử viên phải tự ứng cử. Để đảm bảo kiểm soát các đại biểu đủ các tiêu chuẩn luật định, người muốn trở thành nghị sỹ phải tự tuyên bố ứng cử tại Ủy ban tỉnh ít nhất 21 ngày trước ngày bầu cử đối với cuộc bầu cử hạ viện và ít nhất 8 ngày trước ngày bầu cử thượng viện. Nếu Ủy ban tỉnh cho rằng, ứng cử viên hoặc ứng viên thay thế12 không đủ tiêu chuẩn ứng cử, Tỉnh trưởng phải từ chối việc ứng cử của ứng cử viên. Người ứng cử có quyền kiện ra Tòa án hành chính về quyết định của Tỉnh trưởng và cơ quan này phải ra quyết định giải quyết việc khiếu kiện của ứng cử viên trong thời hạn 03 ngày. Quyết định của Tòa hành chính không thể bị kháng nghị ngay lập tức, mà có thể bị xem xét bởi Hội đồng Hiến pháp theo thủ tục xét xử của Hội đồng Hiến pháp sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

Ứng cử viên không được phép ứng cử tại nhiều đơn vị bầu cử khác nhau. Đây là một quy định mới nhằm tránh việc lạm dụng quyền này để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử. Trong thế kỷ 19, trường hợp một người đăng ký ứng cử tại nhiều đơn vị bầu cử rồi sau đó quyết định chọn một đơn vị bầu cử chính thức là rất phổ biến. Trong những năm 1885-1889, quyền này quá bị lạm dụng bởi tướng Boulanger để gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Do đó, theo pháp luật hiện hành, việc đăng ký ứng cử tại nhiều đơn vị bầu cử bị cấm. Một người ứng cử tại nhiều nơi sẽ bị phạt rất nặng.

Như vậy, pháp luật bầu cử nghị sỹ không có quy định về hệ thống sàng lọc ứng cử viên như bầu cử Tổng thống. Bất cứ ai có đủ tiêu chuẩn ứng cử đều có quyền tuyên bố ứng cử và được bầu trong cuộc bầu cử chính thức. Bầu cử nghị sỹ Hạ viện được thực hiện theo nguyên tắc bầu cử đơn danh đa số 2 vòng13. Đơn danh có nghĩa là một đơn vị bầu cử bầu một ứng cử viên. Đa số 2 vòng có nghĩa là nếu vòng 1 chưa chọn được nghị sỹ thì tiến hành bầu cử lần 2. Để được bầu tại vòng 1, ứng cử viên phải đạt đa số phiếu tuyệt đối và số phiếu bầu đó phải bằng ít nhất 25% số cử tri đăng ký tại đơn vị bầu cử đó. Nếu không ai trúng cử ở vòng 1, thì cuộc bầu cử lần 2 được tổ chức vào chủ nhật sau đó. Người nào được số phiếu cao nhất tại vòng 2 - không phụ thuộc vào số phiếu đi bầu - sẽ là người trúng cử nghị sỹ.

2.2. Đảm bảo ứng cử bình đẳng giữa nam và nữ

Để đảm bảo sự bình đẳng nam nữ trong bầu cử, Đạo luật ngày 06/6/2000 được thông qua. Theo quy định của Đạo luật này, đối với bầu cử Hạ viện, các đảng phải giới thiệu cả các ứng cử nam và nữ trong giới hạn chênh lệnh nam nữ tối đa là 2% (mức độ chênh lệnh tối đa 49% nữ -51% nam). Nếu đảng nào không đạt được mức quy định này thì sẽ bị phạt tiền. Theo quy định của pháp luật, các đảng được Nhà nước hỗ trợ về tài chính tùy theo số lượng các nghị sỹ. Nếu mức chênh lệnh nam nữ là 10% thì đảng đó sẽ bị giảm 5% mức hỗ trợ; 60% sẽ bị giảm 30% ; không có nữ hoặc không có nam thì sẽ bị giảm tới 50%14. Còn đối với bầu cử tỷ lệ và bầu cử theo danh sách ở Thượng viện15, thì các danh sách ứng cử của các đảng phải có số nam và nữ ngang bằng nhau và danh sách phải xếp các ứng viên theo thứ tự một nam rồi một nữ. Tuy nhiên, xuất phát từ việc Thượng viện được bầu gián tiếp và số lượng thực tế ít ỏi của các phụ nữ trong Hạ viện và các cơ quan đại diện khác, vấn đề bình đẳng nam nữ trong Thượng nghị viện vẫn đang tiếp tục được đặt ra.

Mặc dù Đạo luật này không thể bảo đảm được một kết quả bầu cử trong đó số nghị sỹ nam và nữ là bằng nhau, nhưng nó đã hướng tới việc ngày càng nâng cao số lượng nghị sỹ nữ trong Hạ viện. Đạo luật này được thông qua trong bối cảnh Pháp là nước có tỷ lệ nữ ở Nghị viện ít vào bậc nhất ở Châu Âu (năm 2000, số nữ nghị sỹ Pháp chỉ chiếm 10,9%, trong khi tỷ lệ này là 40% ở Thụy Sỹ, 26% ở Đức, 18% ở Anh, 13% ở Bồ Đào Nha). Mặc dù ý nghĩa của đạo luật là rất quan trọng, nhưng kết quả bầu cử sau đó vào năm 2002 vẫn là đáng thất vọng, vì số lượng nữ nghị sỹ tăng không đáng kể (tăng từ 63 lên thành 71 trên tổng số nghị sỹ, chiếm 11,7%). Đa phần các đảng không đảm bảo được chỉ tiêu nam nữ trong đề cử, như 2 đảng lớn PS (Đảng Xã hội) đạt 31% và UMP (Đảng Liên minh vì Phong trào Nhân dân) đạt 19,6%. Với tỷ lệ chỉ đạt 31%, Đảng UMP đã bị giảm 15% tiền hỗ trợ, tương đương hai triệu Euro. Pháp hiện giờ vẫn xếp thứ 13 ở Châu Âu về tỷ lệ nữ trong Nghị viện.

Tóm lại, pháp luật về bầu cử của Pháp đã có những quy định thể hiện rõ nguyên tắc ứng cử tự do và bình đẳng. Nội dung của nguyên tắc đó là đảm bảo những người có đủ tiêu chuẩn có thể tự ứng cử hoặc được đề cử vào danh sách chính thức trong cuộc bầu cử Tổng thống cũng như Nghị viện. Dù quy trình có thể mang sàng lọc (bầu cử Tổng thống) hoặc tự do (bầu cử Nghị viện), nhưng đều nhằm mục đích hiện thực hóa một cách tốt nhất quyền ứng cử của công dân để làm sao chọn ra được một danh sách ứng cử viên tốt nhất và từ đó, bầu được những đại diện ưu tú nhất. Những quy định tăng cường sự hiện diện của phụ nữ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc góp phần khẳng định sự quan tâm của xã hội đối với phụ nữ và tầm quan trọng ngày càng lớn của phụ nữ trong đời sống chính trị.

(1) Trong hai nền Cộng hòa thứ 3 và 4, chỉ có các nghị sỹ mới có quyền chọn lựa Tổng thống. Hình thức chọn lựa Tổng thống này xuất phát từ tổ chức hình thức chính thể cộng hòa đại nghị theo quy định của Hiến pháp lúc bấy giờ.

(2) Cho đến trước năm 1990, một ứng cử viên phải nộp một khoản tiền đặt cọc là 10.000 Franc và chỉ được trả lại nếu đạt được ít nhất 5% số phiếu bầu của cử tri. Tuy nhiên, quy định này đã bị bãi bỏ từ năm 1990.

(3) Trong cuộc bầu cử năm 1974, số lượng ứng cử viên ứng cử Tổng thống là quá lớn, gây khó khăn cho công tác bầu cử.

(4) Louis Favoreu, Patrick Gaia, Richard Ghevontian, Jean-Louis Mestre, Otto Pfersmann, André Roux, Gui Scoffoni, Droit constitutionnel, 8e édition, Édition Dalloz, Paris, 2005, tr. 594.

(5) Hội đồng Bảo hiến kiểm tra việc giới thiệu ứng cử viên để bảo đảm các ứng cử viên có đầy đủ các điều kiện ứng cử Tổng thống theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Ví dụ, năm 1981, trong tổng cộng có 16.444 sự giới thiệu, Hội đồng Hiến pháp đã điều tra 219 trường hợp và loại bỏ 175 trường hợp không phù hợp để cuối cùng quyết định danh sách ứng cử chính thức gồm 10 ứng cử viên. Năm 2002, Hội đồng Hiến pháp đã loại bỏ 190 trong số 17.815 trường hợp. Dominique Turpin, Droit constitutionnel, (1e édition), Presses Universitaires de France, Paris, 1992, tr. 497.

(6) Dominique Turpin, Droit constitutionnel, (1e édition), Presses Universitaires de France, Paris, 1992, tr. 496-497.

(7) Berbard Chantebout, Droit constitutionnel, (27e édition), Édition Dalloz, Paris, 2010, tr. 432.

(Cool Lưu Văn Quảng, Hệ thống bầu cử ở Anh, Mỹ và Pháp – Lý thuyết và hiện thực (Sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 94.

(9) Dominique Turpin, Droit constitutionnel, (1e édition), Presses Universitaires de France, Paris, 1992, tr. 494-495.

(10) Dominique Turpin, Droit constitutionnel, (1e édition), Presses Universitaires de France, Paris, 1992, tr. 495.

(11) Hạ nghị viện được coi là cơ quan đại diện cho cử tri cả nước. Trong khi đó, Thượng nghị viên là cơ quan «bảo đảm tính đại diện của các đơn vi địa phương» (Điều 24.3 Hiến pháp Pháp). Xuất phát từ nguyên tắc đó, Thượng nghị viện được bầu bởi Tuyển cử đoàn, được lập ra ở mỗi tỉnh. Tuyển cử đoàn bao gồm các nghị sỹ Hạ viện, các ủy viên Hội đồng Vùng, Tỉnh và Thành phố.

(12) Theo quy định của pháp luật bầu cử Pháp, ứng cử viên nghị sỹ phải có ứng cử viên thay thế nhằm mục đích sau khi trúng cử, nếu nghị sỹ đó không tiếp tục thực hiện được công việc của mình do những lý do như kiêm nhiệm hoặc chết thì người thay thế sẽ trở thành nghị sỹ. Trường hợp bị miễn nhiệm, bãi nhiệm do vi phạm thì không thể áp dụng việc thay thế này.

(13) Bầu cử Thượng viện kết hợp cả 2 phương thức bầu cử : bầu cử đa số 2 vòng và bầu cử theo tỷ lệ.

(14) Quy định này còn áp dụng trong các cuộc bầu cử đơn danh, gồm có bầu cử Hạ viện và ủy viên Hội đồng Vùng.

(15) Quy định này được áp dụng cho các cuộc bầu cử nghị sỹ Châu Âu, Thượng viện, Ủy viên Hội đồng Vùng và Thành phố.

(Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 194-thang-5-2011 ngày 10/05/2011) TS. Đặng Minh Tuấn - Bộ môn Hành chính - Hiến pháp, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết