SVLAW.7FORUM.BIZ 2014
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
SVLAW.7FORUM.BIZ 2014

Thế giới ngày mai thuộc về những người có tầm nhìn hôm nay - ROBERT SCHULLER

Đăng Nhập

Quên mật khẩu



FAVORITES

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Luật vũ trụ quốc tế  Cash_register Đăng ký
Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Luật vũ trụ quốc tế  Menu-home Home
Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Luật vũ trụ quốc tế  Menu-community Forum

APPS

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Luật vũ trụ quốc tế  Menu-newcontent Xem nội dung mới
Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Luật vũ trụ quốc tế  Menu-quicknavigation Hộp thư

MORE

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Luật vũ trụ quốc tế  Menu-more Lý lịch
Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Luật vũ trụ quốc tế  Menu-reglas Trợ giúp
Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Luật vũ trụ quốc tế  Likes_flag Ban quản trị

OTHERS

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Luật vũ trụ quốc tế  Date Lịch
Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Luật vũ trụ quốc tế  Cake Thống kê

Latest topics

» TỔNG HỢP TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH LUẬT
by tdung67 Wed Mar 22, 2017 2:57 pm

» ĐỀ THI TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ NGOÀI HỢP ĐỒNG (ĐỀ 2)
by tdung67 Mon May 30, 2016 9:24 am

» [HOT] 400 CÂU TRẮC NGHIỆM KIẾN THỨC NGÂN HÀNG (CÓ ĐÁP ÁN THAM KHẢO)
by duyenvinh Wed Mar 09, 2016 10:03 am

» Phương pháp học tiếng anh mới nhất
by thanhnam9187 Thu Mar 03, 2016 8:52 am

» Quản lí nhà nước về hộ tịch
by minhthuc Mon Feb 29, 2016 3:13 pm

» Anh chị nào học luật ngân sách nhà nước rồi có thể hướng dẫn em làm bài tập bên dưới được không ạ? e cảm ơn nhiều ạ :x :x :x
by hihu2016 Sun Feb 28, 2016 8:34 pm

» Tổng hợp đề thi Luật TMQT
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:52 pm

» Đề thi Công pháp quốc tế
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:51 pm

» Đề thi Luật Thương Mại
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:50 pm

» Trang web tổng hợp đề thi trường Luật
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:48 pm


You are not connected. Please login or register

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Luật vũ trụ quốc tế

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Nam Nguyen Gia

Nam Nguyen Gia
Người sáng lập - Đã nghỉ hưu
 Người sáng lập - Đã nghỉ hưu

Lợi thế chính trị và lợi ích kinh tế ngày càng gia tăng trong sự phát triển của các hoạt động sử dụng khoảng không vũ trụ - đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thám, viễn thông, khai thác các khoáng sản Mặt trăng và các thiên thể khác, cũng như các lợi thế của ngành vận tải và phi vận tải trong quá trình sử dụng khoảng không vũ trụ - đã và đang làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xung đột giữa các quốc gia và các chủ thể khác.

Trong thực tế, các tranh chấp liên quan đến hoạt động vũ trụ chủ yếu mới chỉ được đưa vào giải quyết theo tiến trình pháp lý ở cấp độ quốc gia. Luật vũ trụ quốc tế chưa có hệ thống quy định về giải quyết tranh chấp một cách đầy đủ và cụ thể. Với bản chất xuyên biên giới của luật vũ trụ quốc tế, việc thiếu một cơ chế giải quyết tranh chấp hoàn chỉnh đã tạo ra cuộc cải cách cụ thể và riêng biệt đối với hệ thống giải quyết tranh chấp quốc tế. Về mặt học thuật, hoạt động vũ trụ cũng đòi hỏi phải phù hợp với các quy tắc khác trong lĩnh vực vật lý, kinh tế, thương mại, ngoại giao, công nghệ thông tin và kỹ thuật... Điều đó tạo điều kiện và cơ hội cho việc nghiên cứu xây dựng khung pháp lý giải quyết tranh chấp có thể thực hiện được nhằm phát triển hơn nữa công pháp quốc tế1.

Trong thời gian gần đây, luật vũ trụ quốc tế đặc biệt chú trọng sự phát triển của việc giải quyết tranh chấp quốc tế xét từ góc độ luật quốc tế và quan điểm liên ngành. Khung pháp lý giải quyết tranh chấp được thiết lập sẽ đảm bảo sự tiến triển vững chắc của pháp luật vũ trụ, đảm bảo một giải pháp hữu hiệu để loại bỏ những rào cản cho việc sử dụng khoảng không vũ trụ vì lợi ích chung của nhân loại.

Ngoài các quốc gia là chủ thể chính trong lĩnh vực luật vũ trụ, số lượng các tổ chức tư nhân và các tổ chức liên chính phủ tham gia hoạt động vũ trụ ngày càng gia tăng nhanh chóng. Các vấn đề pháp lý quốc gia nảy sinh trong các lĩnh vực hoạt động vũ trụ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới các lĩnh vực luật thông tin truyền thông, luật thương mại quốc tế, luật về quyền sở hữu trí tuệ, luật hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, luật về an toàn tài chính… Hầu hết các chế độ pháp lý này đều có liên hệ với cơ chế giải quyết tranh chấp. Luật vũ trụ quốc tế là một bộ phận của luật quốc tế, vì vậy, bất kỳ cơ chế giải quyết tranh chấp nào trong luật quốc tế cũng đều có thể được áp dụng2. Tuy nhiên, xuất phát từ những đặc thù của lĩnh vực hoạt động vũ trụ và các hoạt động có liên quan đến việc sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình, tranh chấp và cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực luật vũ trụ sẽ có những đặc điểm riêng, cần được nghiên cứu và luận giải từ các góc độ khác nhau của khoa học luật quốc tế.

1. Các tranh chấp trong hoạt động vũ trụ và cơ chế giải quyết

Căn cứ theo tiêu chí chủ thể, tranh chấp trong hoạt động vũ trụ có thể được phân chia thành 03 loại chính: (i) tranh chấp giữa các quốc gia có chủ quyền (sovereignty states) là chủ thể chính làm ra luật vũ trụ thông qua việc tạo lập các điều ước quốc tế (các quy tắc có phạm vi quốc tế hoặc toàn cầu) và luật tập quán; (ii) các tổ chức quốc tế liên chính phủ (intergovernmental organisations - IGO) và (iii) các tổ chức tư nhân (prvivate enterprises)3.

1.1. Tranh chấp giữa các quốc gia (nhà nước)

Tranh chấp giữa các quốc gia (nhà nước) là tranh chấp thuộc luật quốc tế và được giải quyết ở cấp độ quốc tế. Chúng tạo nên phương thức cổ điển của tranh chấp trong luật quốc tế chung cũng như lĩnh vực luật vũ trụ4.

Các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp có liên quan đến khoảng không vũ trụ giữa các nhà nước (quốc gia) thường được ghi nhận trong các điều ước quốc tế. Chúng ta có thể liệt kê không dưới 57 điều ước quốc tế (ĐƯQT) có đề cập đến vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động vũ trụ. Tuy nhiên, ngay cả các ĐƯQT chính yếu như Công ước quốc tế về trách nhiệm trong các hoạt động vũ trụ năm 19725 cũng không quy định một cơ chế bắt buộc cho việc giải quyết tranh chấp6. Ngoài ĐƯQT quan trọng này, có thể kể đến các ĐƯQT khác có đề cập đến cơ chế giải quyết tranh chấp ở các mức độ khác nhau, như: Hiệp ước về các quy tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong việc nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ, bao gồm Mặt trăng và các thiên thể khác (Liên hiệp quốc thông qua ngày 27/01/1967); Hiệp định điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trên Mặt trăng và các thiên thể khác (Liên hiệp quốc thông qua ngày 18/12/1979, Dự thảo Điều ước về vũ trụ của Liên hợp quốc, Phụ lục văn bản về Nguyên tắc điều chỉnh việc sử dụng vệ tinh nhân tạo để truyền hình trực tiếp quốc tế, Phụ lục Bản nguyên tắc điều chỉnh viễn thám trái đất từ khoảng không vũ trụ, Nguyên tắc liên quan đến việc sử dụng nguồn năng lượng nguyên tử trong khoảng không vũ trụ, và Bản dự thảo sửa đổi mới nhất của Công ước Giải quyết tranh chấp có liên quan đến các hoạt động vũ trụ năm 19987…

Trong nhóm các điều ước quốc tế của Liên hiệp quốc về khoảng không vũ trụ, các quy định về giải quyết tranh chấp chưa được quy định cụ thể mà chỉ thể hiện ở nguyên tắc chung: Tất cả các tranh chấp đều phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Đó chính là động lực để các quốc gia phải đàm phán thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp riêng biệt, phù hợp với ngành luật vũ trụ.

Sự phát triển của việc sử dụng khoảng không vũ trụ đã kéo theo sự gia tăng số lượng của các quốc gia và tổ chức phi quốc gia tham gia vào lĩnh vực này. Khi có nhiều chủ thể tham gia hơn, nguy cơ xảy ra các tranh chấp sẽ lớn hơn. Vì những lý do khác nhau, các chính phủ đã phản đối các thủ tục bắt buộc như trọng tài và tư pháp xét xử. Trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về vũ trụ của Liên hiệp quốc, thuật ngữ phổ biến về cơ chế giải quyết tranh chấp là từ “tư vấn”. Điều này có nghĩa là nhằm mục đích hạn chế việc giải quyết tranh chấp có thể xảy ra giữa các chủ thể, Tư vấn phải trải qua ba giai đoạn cụ thể là: (i) trước khi thông báo kế hoạch hoạt động trong khoảng không vũ trụ; (ii) quyền của quốc gia bị ảnh hưởng được yêu cầu tư vấn; và (iii) nhiệm vụ của nhà nước bị ảnh hưởng phải tham gia vào tham vấn8. Đồng thời, nhiều quy định khác trong các điều ước quốc tế về vũ trụ đã thể hiện sự ưu tiên giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Các thỏa thuận liên chính phủ, khu vực và song phương cũng đã thiết lập quy định riêng về giải quyết tranh chấp. Trong thực tế, các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống nói chung như thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án đều đã và đang được sử dụng trong lĩnh vực luật vũ trụ quốc tế.

1.2. Tranh chấp liên quan đến các tổ chức quốc tế liên chính phủ

Các dạng tranh chấp chính thuộc loại này bao gồm:

(i) Tranh chấp giữa các IGO và các nhà nước, trong đó có thể một bên là quốc gia thành viên của IGO và một bên không phải là thành viên IGO. Tranh chấp thường được giải quyết bởi các thỏa thuận nội bộ trong khuôn khổ IGO hoặc bởi luật quốc tế chung trong lĩnh vực luật vũ trụ.

(ii) Tranh chấp giữa các IGO và IGO là loại tranh chấp ít phổ biến trong lĩnh vực luật vũ trụ, tuy nhiên chúng khá phức tạp và quan trọng, đòi hỏi phải có giải pháp ở cấp độ luật quốc tế. Trong phạm vi IGO, các quốc gia thành viên thường thích tìm một giải pháp cho vấn đề pháp lý có tính chất tư (private) hơn là tính chất luật quốc tế. Vì vậy, họ có thể tính đến việc giải quyết tranh chấp tại các tòa án quốc gia và/hoặc dựa trên luật quốc gia.

(iii) Tranh chấp giữa các IGO và các tổ chức tư nhân cũng là trường hợp khá phức tạp, trong đó các bên thường có xu hướng áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp quốc gia và luật quốc gia. Điều này phụ thuộc nhiều vào việc các tổ chức tư nhân có thuộc phạm vi thẩm quyền (quyền lực quản lý) của nhà nước thành viên IGO hay không. Trong lĩnh vực luật vũ trụ, điều này có thể là vấn đề quan trọng, đặc biệt nếu hoạt động của IGO phụ thuộc nhiều vào các tổ chức tư nhân.

Thiết chế giải quyết tranh chấp tư pháp (bằng tòa án) nổi tiếng nhất - theo công pháp quốc tế - đó là Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), về nguyên tắc cũng được áp dụng đối với các tranh chấp trong lĩnh vực luật vũ trụ. Tuy vậy, ICJ chỉ áp dụng đối với các tranh chấp giữa các quốc gia (nhà nước) và chỉ đối với trường hợp cả hai bên tranh chấp là nhà nước có chấp nhận thẩm quyền của ICJ. Các IGO có thể chỉ được trưng cầu ý kiến tư vấn của ICJ. ICJ chỉ giải quyết những vấn đề thuộc về luật công (công pháp quốc tế). Thiết chế giải quyết tranh chấp thứ hai là Tòa Trọng tài thường trực (PCA), cũng chỉ giải quyết tranh chấp giữa các nhà nước, nhưng ở mức độ hạn chế cũng chấp nhận giải quyết các vấn đề của các IGO và giữa các nhà nước, IGO với các tổ chức tư nhân.

1.3. Tranh chấp giữa các thực thể tư nhân9

Từ những năm 1990 trở đi, sự nới lỏng việc kiểm soát nhà nước trong hoạt động thương mại vũ trụ đã tạo điều kiện cho các chủ thể phi nhà nước tham gia hoạt động thương mại vũ trụ. Tranh chấp giữa các tổ chức tư nhân trong lĩnh vực hoạt động vũ trụ đã xảy ra trong thực tế trong khi chúng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho hoạt động vũ trụ của các nhà nước hoặc tổ chức quốc tế. Giải quyết tranh chấp có vai trò quan trọng đối với các tổ chức tư nhân hơn là các nhà nước vì các tổ chức này không có các phương tiện chính trị và ngoại giao. Hơn thế nữa, các tổ chức này thường phải tính toán nhiều đến các lợi ích và rủi ro trong việc đáp ứng các nghĩa vụ hợp đồng.

Tranh chấp giữa các tổ chức tư nhân với nhau là vấn đề của luật quốc gia và tòa án quốc gia, ngay cả khi các tổ chức này thuộc thẩm quyền quản lý của các nhà nước khác nhau. Trong một lĩnh vực có tính chất quốc tế mạnh mẽ như hoạt động vũ trụ, với sự tham gia hoặc liên quan của nhiều liên doanh quốc tế hoặc các thành phần công và tư khác nhau, việc xác định khi nào thì tranh chấp được giải quyết bởi các thiết chế và công cụ luật pháp quốc gia là vấn đề đáng bàn10.

Phương thức giải quyết tranh chấp cơ bản được lựa chọn bởi các tổ chức tư nhân trong giải quyết tranh chấp là tòa án nhà nước hoặc trọng tài. Trong quan hệ kinh doanh giữa các tổ chức tư nhân, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp được ưa chuộng hơn cả ở cấp độ quốc tế và quốc gia. Ở cấp độ quốc gia, các công ty tư nhân chọn quy tắc trọng tài của các tổ chức trọng tài quốc gia như Hiệp hội trọng tài Hoa Kỳ (AAA) hay Viện Trọng tài Đức… Trong các hợp đồng thương mại quốc tế, các bên thường chọn quy tắc của Trọng tài Thương mại quốc tế (ICC) ở Paris, của Tòa Trọng tài Quốc tế Luân-đôn (LCIA) và của Ủy ban về Luật thương mại quốc tế Liên hợp quốc (UNCITRAL11) hoặc của các tổ chức trọng tài quốc gia cụ thể như Thụy Sỹ, Áo, Thụy Điển… Các tổ chức trọng tài sẽ yêu cầu trong quy tắc của mình các dịch vụ hành chính đảm bảo thủ tục trọng tài có thể vận hành hiệu quả. Các bên cũng có thể chọn trọng tài vụ việc (ad-hoc) và trong trường hợp này có thể chọn quy tắc của UNCITRAL vì quy tắc này được xây dựng bởi các chuyên gia từ các nước công nghiệp phát triển12.

Hệ thống tòa án quốc gia được sử dụng cho tất cả các dạng tranh chấp liên quan đến hoạt động vũ trụ. Các tranh chấp giữa tổ chức tư nhân với nhau được giải quyết bởi cơ chế quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề này không phải lúc nào cũng trở nên dễ dàng trong bối cảnh đặc điểm quốc tế của hoạt động vũ trụ là tương đối rõ nét. Các vấn đề không nhất thể hóa luật tư hay vấn đề chọn tòa án (forum shopping), vấn đề chủ quyền quốc gia, quyền miễn trừ nhà nước (sovereignty immunity)… có thể phát sinh.

2. Luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp về hoạt động vũ trụ

Sự thương mại hóa và tư nhân hóa các hoạt động vũ trụ của các tổ chức phi nhà nước đã tạo nên đặc điểm của luật vũ trụ quốc tế chuyển từ luật công sang luật tư. Luật vũ trụ quốc tế đã được định nghĩa lại là sự kết hợp giữa luật công pháp quốc tế và luật tư pháp quốc tế. Sự thay đổi bản chất của luật vũ trụ quốc tế bị ảnh hưởng bởi các hành vi của các chủ thể trong các hoạt động vũ trụ trực tiếp và gián tiếp. Các hoạt động thương mại vũ trụ giữa các thực thể tư của các quốc gia, giữa các thực thể tư với các tổ chức chính phủ trở nên phổ biến. Vấn đề là làm thế nào giải quyết được việc bảo đảm quyền và trách nhiệm của các bên hợp đồng theo luật vũ trụ quốc tế (công pháp quốc tế) và tư pháp quốc tế về vũ trụ và phát triển một cơ chế giải quyết tranh chấp mới có hiệu quả trong mối liên hệ với thương mại hóa vũ trụ trong cộng đồng quốc tế. Thương lượng, hòa giải và giải quyết bằng tư pháp xét xử thông qua Tòa án Công lý Quốc tế và nhiều hội đồng trọng tài ad-hoc, các ủy ban trọng tài là các phương thức có thể được áp dụng để giải quyết tranh chấp giữa trong lĩnh vực luật vũ trụ.

Sự gia tăng hoạt động thương mại vũ trụ trong các tổ chức viễn thông, dịch vụ phóng vật thể vũ trụ, viễn thám đã tạo ra những yếu tố mới và không thực sự phù hợp với các phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất ngoại giao. Vì vậy, cần có một cơ chế giải quyết tranh chấp độc lập mới để giải quyết tranh chấp giữa các tổ chức chính phủ và các tổ chức tư nhân của nhiều nước khác nhau. Dự thảo Công ước về giải quyết tranh chấp liên quan hoạt động vũ trụ năm 1998 của Liên hợp quốc đã dự kiến thành lập một hội đồng mới của ICJ để giải quyết tranh chấp thuộc lĩnh vực thương mại vũ trụ tư, trong đó hình thức hòa giải và trọng tài được chú ý nhất13.

Trong thực tiễn thương mại quốc tế, trọng tài thương mại quốc tế có nhiều ưu điểm hơn so với phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án. Các hoạt động vũ trụ đòi hỏi kiến thức phức hợp như khoa học vũ trụ, công nghệ, luật pháp và các khoa học có liên quan khác. Một hội đồng trọng tài với các chuyên gia giỏi có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất để giải quyết tranh chấp. Trọng tài sẽ có thể đảm bảo các bí mật thương mại vốn rất quan trọng trong lĩnh vực thương mại vũ trụ. Trọng tài thương mại quốc tế được coi là phương thức có tính tổ chức nhất trong hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp ngoài tòa án14.

Các tranh chấp pháp lý xảy ra trong các hoạt động thương mại vũ trụ được điều chỉnh bởi luật vũ trụ quốc tế là lĩnh vực có sự kết hợp giữa luật công và luật tư. Các hoạt động có liên quan đến chủ quyền sẽ được điều chỉnh bởi phương pháp pháp lý và ngoại giao trong luật quốc tế, gồm cơ chế giải quyết tranh chấp bởi luật kinh tế quốc tế và các nhánh khác của luật quốc tế. Các hãng chính phủ, công ty nhà nước, chủ doanh nghiệp và các tổ chức nhà nước khác khi tham gia hoạt động thương mại vũ trụ sẽ được điều chỉnh bởi tư pháp quốc tế, gồm có các cơ chế được thiết lập bởi luật thương mại quốc tế.

Tuy vậy, một vấn đề có liên quan đến đặc tính của tranh chấp trong lĩnh vực luật vũ trụ là sự xung đột giữa luật công và luật tư. Người ta cho rằng, đây là vấn đề của luật quốc gia và cơ chế giải quyết tranh chấp quốc gia. Ở cấp độ quốc gia, điều này liên quan đến các nhà nước và cơ quan nhà nước, trực tiếp phát sinh từ các mối quan hệ trong lĩnh vực luật hành chính; còn các vấn đề giữa các chủ thể tư hoặc giữa chủ thể tư với các cơ quan nhà nước có tính chất tư sẽ được điều chỉnh bởi luật dân sự. Vấn đề trở nên phức tạp hơn nếu nhìn nhận ở bình diện cấp độ quốc tế. Các chủ thể là nhà nước hoặc các tổ chức liên chính phủ (IGO) sẽ áp dụng công pháp quốc tế là các quy tắc pháp lý được áp dụng ở cấp độ quốc tế. Các điều ước quốc tế giữa các quốc gia có đề cập đến các yếu tố thuộc luật tư (private international law) áp dụng cho các tổ chức tư nhân thông qua vai trò của nhà nước sẽ chủ yếu điều chỉnh các yếu tố về quyền và nghĩa vụ của các pháp nhân và thể nhân15.

3. Vấn đề hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực luật vũ trụ

3.1. Cấp độ quốc tế

Các vấn đề cơ bản - về lý luận và thực tiễn - liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực sử dụng khoảng không vũ trụ, gồm có:

Vấn đề phân định lĩnh vực tranh chấp vũ trụ

Hoạt động vũ trụ vì mục đích hòa bình rất đa dạng và phức tạp, nhưng có thể phân chia thành các lĩnh vực chính sau đây căn cứ vào mục đích cụ thể: sử dụng khoảng không vũ trụ nhằm mục đích quân sự; sử dụng khoảng không vũ trụ nhằm mục đích thương mại; thăm dò, nghiên cứu khoảng không vũ trụ (mục đích khoa học)…

Cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến từng lĩnh vực cụ thể nêu trên cũng có những đặc thù khác nhau. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật quốc tế, các quốc gia cần thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau cho từng lĩnh vực. Ví dụ: nếu tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực sử dụng khoảng không vũ trụ nhằm mục đích quân sự thì cần nghiêng về cơ chế giải quyết qua con đường thương lượng ngoại giao; tranh chấp về sở hữu trí tuệ hoặc thương mại trong khoảng không vũ trụ cần nghiêng về giải quyết bởi thiết chế tài phán quốc tế (như tranh chấp thương mại quốc tế khác)…

Vấn đề lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp

Hiện nay, trên thế giới tồn tại ba quan điểm căn bản về cơ chế giải quyết tranh chấp có liên quan đến hoạt động trong khoảng không vũ trụ: (i) tham chiếu tổng hợp luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp; hoặc (ii) trên cơ sở quan hệ song phương đặc biệt trong trường hợp tranh chấp phát sinh; hoặc (iii) không giải quyết tranh chấp16. Tuy nhiên, rất khó có thể vận dụng hoàn toàn một trong ba quan điểm trên để xây dựng các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp về vũ trụ. Bởi lẽ, việc giải quyết tranh chấp liên quan đến lĩnh vực này cần một cơ chế đặc biệt với những đặc điểm sau đây:

a) Cơ chế giải quyết tranh chấp vũ trụ phải có tính chất thường xuyên và bắt buộc. Lý do để xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp vũ trụ thường xuyên và bắt buộc là: i) để đảm bảo các tranh chấp sẽ được giải quyết kịp thời; ii) với những rủi ro cao và vị trí thương lượng bất bình đẳng trong hoạt động không gian, các bên tranh chấp không được phép không tham gia giải quyết tranh chấp một cách hòa bình; iii) thực hiện thường xuyên và bắt buộc để đảm bảo sự chắc chắn của luật pháp và hạn chế sự rời rạc trong việc áp dụng pháp luật; iv) tạo điều kiện để cơ quan thường trực sẽ xây dựng quy chế, thủ tục cụ thể giải quyết tranh chấp vũ trụ một cách hoàn chỉnh và hiệu quả.

b) Cơ chế giải quyết tranh chấp vũ trụ phải là một bước quan trọng để có sự tương thích giữa pháp luật quốc tế về vũ trụ với các hoạt động đa dạng, phát triển trong khoảng không vũ trụ trong hiện tại và tương lai. Lý do phải xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp vũ trụ phải tương thích với hoàn cảnh phát triển của luật vũ trụ và hoạt động vũ trụ là: i) phải đáp ứng những thay đổi trong lĩnh vực sử dụng khoảng không vũ trụ; và ii) cần có những đặc thù riêng và có sự phát triển gắn liền với sự phát triển của từng hoạt động vũ trụ cụ thể như thương mại, quân sự, nghiên cứu, khai thác và sử dụng.

c) Cơ chế giải quyết tranh chấp này phải bảo vệ toàn diện cả lợi ích công cộng và lợi ích tư nhân trong quá trình thăm dò, nghiên cứu, khai thác khoảng không vũ trụ. Một mặt, pháp luật vũ trụ quốc tế được thiết lập theo các nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích công cộng. Mặt khác, luật vũ trụ còn bảo đảm lợi ích của các tổ chức tư nhân - lý do mà luật vũ trụ còn được coi như một ngành thuộc tư pháp quốc tế. Vì vậy, trong khoa học luật quốc tế, còn có những ý kiến trái ngược trong việc xác định luật vũ trụ quốc tế là công pháp quốc tế hay tư pháp quốc tế. Trong bối cảnh đó, các quy định về giải quyết tranh chấp cần nghiêng về bảo vệ lợi ích công cộng của các quốc gia và trật tự quốc tế hay là lợi ích của các thành phần tư nhân đang ngày càng có sự đóng góp đáng kể vào thương mại hóa hoạt động vũ trụ? Có lẽ câu trả lời tối ưu nhất sẽ là cơ chế giải quyết tranh chấp cần bảo vệ song song cả hai loại lợi ích công và tư như nêu trên.

d) Cơ chế giải quyết tranh chấp vũ trụ phải gắn liền với việc thi hành các phán quyết về giải quyết tranh chấp đó. Vấn đề thi hành các phán quyết giải quyết tranh chấp liên quan đến nhiều quốc gia tham gia vào hoạt động vũ trụ sẽ khó khăn nếu thiếu vắng các quy định rõ ràng và cụ thể về trình tự, thủ tục. Vì vậy, cũng như các quy định tố tụng giải quyết tranh chấp nói chung, thủ tục giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực vũ trụ nói riêng cũng cần được quy định chi tiết và đầy đủ.

Vấn đề xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong quá trình khai thác, hợp tác nghiên cứu, sử dụng khoảng không vũ trụ giữa các quốc gia và các tổ chức kinh tế

Trong pháp luật vũ trụ quốc tế hiện hành, phương thức giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan tài phán là trọng tài và tòa án. Tuy nhiên, sự phân định thẩm quyền theo lãnh thổ và theo lĩnh vực chưa được đề cập rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật quốc tế. Vì vậy, đặc biệt cần có sự bổ sung các quy định cụ thể liên quan đến việc xác định tính chất của tranh chấp và thẩm quyền giải quyết tranh chấp có liên quan đến hoạt động thương mại, du lịch do tổ chức kinh tế của các quốc gia thực hiện và thẩm quyền giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm trong quá trình khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ trong điều kiện pháp luật quốc tế đã đề cao trách nhiệm của các quốc gia.

3.2. Cấp độ quốc gia

Xu thế phát triển của các hoạt động vũ trụ trên thế giới tất yếu sẽ làm nảy sinh các tranh chấp và nhu cầu sử dụng pháp luật quốc tế và quốc gia để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên thực tế cho thấy, vấn đề giải quyết tranh chấp có liên quan đến luật vũ trụ và hoạt động vũ trụ hầu như chưa được đề cập bằng những quy định chuyên biệt trong các văn bản pháp luật vũ trụ của các quốc gia. Một vấn đề khác đó là việc xác định tính chất tư (private) trong các loại hình tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình sử dụng và khai thác khoảng không vũ trụ, xác định quyền tài phán, xét xử đối với tranh chấp dạng này và vấn đề giải quyết xung đột pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự quốc tế… còn đang được bỏ ngỏ trong pháp luật vũ trụ của các quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển. Đó là vấn đề mà các nhà nước đang và sẽ cần phải chú trọng xây dựng và hoàn thiện, bổ sung trong hệ thống pháp luật quốc gia của mình trong xu thế phát triển mới của luật vũ trụ.

Với đặc điểm của các hoạt động vũ trụ mang tính quốc tế rất cao, các quốc gia - trong quá trình tham gia vào các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực này - phải xác định và lựa chọn hình thức tham gia giải quyết tranh chấp nhất định, đó là: (i) tham chiếu tổng hợp luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp; hoặc (ii) giải quyết trên cơ sở quan hệ song phương đặc biệt trong trường hợp tranh chấp phát sinh; hoặc (iii) không xác lập cơ chế giải quyết tranh chấp.

Trong bối cảnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động vũ trụ, đặc biệt là thương mại vũ trụ, ngày càng diễn ra sâu rộng với tốc độ nhanh chóng và mạnh mẽ như hiện nay, các quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật vũ trụ quốc gia của mình theo hướng:

(i) Nội luật hóa các nguyên tắc pháp luật quốc tế về giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hoà bình vào pháp luật quốc gia của mình;

(ii) Đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật cụ thể về giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động vũ trụ có sự tham gia của tổ chức, cá nhân mang quốc tịch của mình, trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc quốc gia chịu trách nhiệm quốc tế về hoạt động vũ trụ do những cá nhân, tổ chức thuộc quốc gia đó thực hiện.

(iii) Đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật về thẩm quyền của cơ quan tài phán quốc gia hoặc lựa chọn cơ quan tài phán quốc tế hay cơ quan tài phán của quốc gia khác và cơ chế pháp lý giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc sử dụng khoảng không vũ trụ giữa tổ chức, cá nhân mang quốc tịch của quốc gia đó với tổ chức, cá nhân mang quốc tịch của quốc gia khác nhằm mục đích thương mại.

(iv) Đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật quốc gia về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trước cơ quan cấp phép, quản lý hoạt động vũ trụ của quốc gia khi xảy ra thiệt hại phải bồi thường trong quá trình thực hiện các hoạt động vũ trụ mà quốc gia đứng ra chịu trách nhiệm quốc tế. Trong đó, các vấn đề quan trọng cần có cơ sở pháp lý áp dụng bao gồm: Mức độ tối đa và tối thiểu của trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà tổ chức, cá nhân phải thực hiện trong một vụ việc tranh chấp; trình tự và thủ tục tố tụng giải quyết vụ việc bồi thường giữa tổ chức, cá nhân với nhà nước…

Hoạt động nghiên cứu, thăm dò, sử dụng khoảng không vũ trụ hiện đang diễn ra rất mạnh mẽ trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, với sự tham gia không chỉ của các chính phủ, các tổ chức quốc tế mà còn có sự tham gia của các pháp nhân, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại viễn thông. Sự phát triển này đòi hỏi mỗi quốc gia có hoạt động vũ trụ phải có hệ thống quy định pháp luật đủ để đáp ứng điều cầu điều chỉnh hoạt động này. Trong thực tế phát triển trong lĩnh vực hoạt động vũ trụ hiện nay, những nước trình độ công nghệ vũ trụ phát triển cao như Nga, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Nhật Bản… đều là những nước có hệ thống chính sách, pháp luật tương đối hoàn thiện. Mặc dù vậy, trên thế giới hiện nay mới chỉ có khoảng trên 20 quốc gia có văn bản pháp luật về hoạt động vũ trụ. Sự chênh lệch lớn trong trình độ phát triển luật pháp về hoạt động vũ trụ giữa các quốc gia cũng là vấn đề đáng chú ý. Bởi vì, sự phát triển hệ thống chính sách, pháp luật vũ trụ quốc gia theo định hướng hội nhập quốc tế và sự hài hòa hóa chính sách, pháp luật giữa các quốc gia sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác phát triển công nghệ vũ trụ ở phạm vi thế giới. Điều đó cho thấy, việc thiếu các chế định pháp luật cần thiết trong lĩnh vực này sẽ gây cản trở cho hoạt động vũ trụ của chính các quốc gia cũng như có thể ảnh hưởng tới hoạt động vũ trụ của các quốc gia hữu quan khác. Vì vậy, hoàn thiện khung pháp luật quốc gia là yêu cầu cần thiết đối với bất cứ quốc gia nào đã, đang và sẽ tiến hành hoạt động vũ trụ.

Những luận điểm nêu trên - ở chừng mực ban đầu - có ý nghĩa trực tiếp đối với vấn đề nghiên cứu và giải quyết yêu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật của Việt Nam về hoạt động sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình, trong bối cảnh Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 đã và đang đặt ra những triển vọng và thách thức nhất định cho công tác lập pháp cũng như cho lĩnh vực khoa học pháp lý.

(1) Theo Professor Dr. Peter P.C. Haanappel, Dr. Frans G. von der Dunk, Professor Dr. Stephan Hobe, Dispute Settlement in International Space Law A Multi-Door Courthouse for Outer Space, G´erardine Meishan Goh Leiden, 2006, pg.17-18.

(2) Frans G. von de Dunk , Space for dispute settlement mechanism – dispute resolution mechanism for space? A new legal considerations, University of Nebraska – Loncoln publications, 2001.

(3) Tlđd.

(4) Tranh chấp trong lĩnh vực luật vũ trụ cũng có thể phát sinh giữa nhà nước và các tổ chức tư nhân, trong đó có loại tranh chấp giữa một nhà nước và một tổ chức tư nhân thuộc về nhà nước đó và loại tranh chấp giữa một nhà nước với một tổ chức tư nhân không thuộc về nhà nước đó. Luật quốc gia và cơ chế giải quyết tranh chấp quốc gia có thể được áp dụng để điều chỉnh các tranh chấp dạng này.

(5) Công ước về trách nhiệm quốc tế đối với những tổn hại do các vật thể phóng vào vũ trụ gây ra (gọi tắt là Công ước Trách nhiệm) được Tiểu ban Pháp lý của COPOUS chuẩn bị từ năm 1963 đến năm 1972; đồng thuận về Hiệp định đạt được tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 1971 trong Nghị quyết số 2777 Đại hội đồng khóa XXVI. Công ước có hiệu lực vào tháng 9 năm 1972.

(6) Prof. Dr. Karl-Heinz Bockstiegel, Director of the Institute of Air and Space Law and Holder of the Chair for International Business Law, Cologne University, Settlement of disputes regarding space activities, Presentation at the Annual Meeting of the American Society of International Law in Washington, D.C, April 1, 1993.

(7) Final Draft of the Revised Convention on the Settlement of Disputes Related to Space Activities, as amended at the 68th ILA Conference 1998.

(Cool Prof. Dr. Peter P.C. Hanappel, Dr. Frans G. von der Dunk, Professor Dr. Stephan Hobe, Dispute Settlement in International Space Law A Multi-Door Courthouse for Outer Space, G´erardine Meishan Goh Leiden, 2006, pg. 24

(9) Prof. Dr. Karl-Heinz Bockstiegel, Director of the Institute of Air and Space Law and Holder of the Chair for International Business Law, Cologne University, Settlement of disputes regarding space activities, Presentation at the Annual Meeting of the American Society of International Law in Washington, D.C, April 1, 1993.

(10) Frans G. von de Dunk, Space for dispute settlement mechanism – dispute resolution mechanism for space? A new legal considerations, University of Nebraska – Loncoln publications, 2001.

(11) UNCITRAL: Ủy ban Liên hiệp quốc về Luật Thương mại quốc tế được thành lập bởi Đại hội đồng Liên hiệp quốc (theo Nghị quyết 2205 ngày 17/12/1966 “để thúc đẩy tiến bộ và hài hòa thống nhất của pháp luật thương mại quốc tế”.

(12) Professor Chia-Jui Cheng (Chairman, Asian Institute of International Air and Space law, Taipei, Taiwan, China), International arbitration system as a Mechanism for the settlement of disputes arising in ralation to Space Commercialization, Singapore Journal of International and Comparative Law (2001), pp 165 – 179.

(13) Professor Chia-Jui Cheng (Chairman, Asian Institute of International Air and Space law, Taipei, Taiwan, China), International arbitration system as a Mechanism for the settlement of disputes arising in ralation to Space Commercialization, Singapore Journal of International and Comparative Law (2001), pp 165 – 179.

(14) Tlđd.

(15) Frans G. von de Dunk , Space for dispute settlement mechanism – dispute resolution mechanism for space? A new legal considerations, University of Nebraska – Loncoln publications, 2001.

(16) Theo Professor Dr. Peter P.C. Haanappel, Dr. Frans G. von der Dunk, Professor Dr. Stephan Hobe, Dispute Settlement in International Space Law A Multi-Door Courthouse for Outer Space, G´erardine Meishan Goh Leiden, 2006, pg.139.

(Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 195-thang-5-2011 ngày 20/05/2011) ThS. Đồng Thị Kim Thoa - Giảng viên Học viện Tư pháp; NCS Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

https://svlaw.forumvi.com

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết