SVLAW.7FORUM.BIZ 2014
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
SVLAW.7FORUM.BIZ 2014

Thế giới ngày mai thuộc về những người có tầm nhìn hôm nay - ROBERT SCHULLER

Đăng Nhập

Quên mật khẩu



FAVORITES

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Luật Thi hành án hình sự Cash_register Đăng ký
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Luật Thi hành án hình sự Menu-home Home
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Luật Thi hành án hình sự Menu-community Forum

APPS

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Luật Thi hành án hình sự Menu-newcontent Xem nội dung mới
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Luật Thi hành án hình sự Menu-quicknavigation Hộp thư

MORE

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Luật Thi hành án hình sự Menu-more Lý lịch
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Luật Thi hành án hình sự Menu-reglas Trợ giúp
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Luật Thi hành án hình sự Likes_flag Ban quản trị

OTHERS

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Luật Thi hành án hình sự Date Lịch
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Luật Thi hành án hình sự Cake Thống kê

Latest topics

» TỔNG HỢP TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH LUẬT
by tdung67 Wed Mar 22, 2017 2:57 pm

» ĐỀ THI TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ NGOÀI HỢP ĐỒNG (ĐỀ 2)
by tdung67 Mon May 30, 2016 9:24 am

» [HOT] 400 CÂU TRẮC NGHIỆM KIẾN THỨC NGÂN HÀNG (CÓ ĐÁP ÁN THAM KHẢO)
by duyenvinh Wed Mar 09, 2016 10:03 am

» Phương pháp học tiếng anh mới nhất
by thanhnam9187 Thu Mar 03, 2016 8:52 am

» Quản lí nhà nước về hộ tịch
by minhthuc Mon Feb 29, 2016 3:13 pm

» Anh chị nào học luật ngân sách nhà nước rồi có thể hướng dẫn em làm bài tập bên dưới được không ạ? e cảm ơn nhiều ạ :x :x :x
by hihu2016 Sun Feb 28, 2016 8:34 pm

» Tổng hợp đề thi Luật TMQT
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:52 pm

» Đề thi Công pháp quốc tế
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:51 pm

» Đề thi Luật Thương Mại
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:50 pm

» Trang web tổng hợp đề thi trường Luật
by HoaiNam90 Tue Feb 16, 2016 4:48 pm


You are not connected. Please login or register

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Luật Thi hành án hình sự

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

librarian

librarian
Thành viên cấp 4
Thành viên cấp 4

Luật Thi hành án hình sự (sau đây gọi tắt là Luật THAHS) được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Luật được xây dựng trên cơ sở thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng về công tác THAHS; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác THAHS trong giai đoạn hiện nay và trong những năm tiếp theo; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và tham khảo có chọn lọc pháp luật quốc tế và THAHS của một số nước phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Một trong những nội dung rất quan trọng của Luật này là đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo các quy định của Luật Bình đẳng giới năm 2006.

Tại Điều 4, Luật THAHS đã quy định một trong những nguyên tắc trọng tâm, cơ bản trong thi hành án hình sự (THAHS) là kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất và mức độ phạm tội, độ tuổi, giới tính, trình độ văn hóa và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án; thi hành án đối với người chưa thành niên chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội. Luật cũng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào những nội dung quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo người chấp hành án trong thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực mà thể hiện rõ nét nhất trong thi hành án phạt tù (đặc biệt là đối với phạm nhân nữ và phạm nhân là người chưa thành niên) và thi hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên, bảo đảm chính sách khoan hồng nhân đạo của Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, việc thi hành các hình phạt khác như thi hành án treo; thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ; thi hành hình phạt cấm cư trú, quản chế; thi hành hình phạt trục xuất; thi hành hình phạt tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, Luật cũng quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người phải chấp hành án; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án... theo hướng bảo đảm sự bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử về giới, theo các nội dung sau:

1. Bảo đảm bình đẳng giới trong thực hiện quyền công dân đối với phạm nhân, người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

Về chế độ quản lý giam giữ phạm nhân

Trong quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, các trại giam, trại tạm giam phải thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về quản lý giam giữ phạm nhân, giúp phạm nhân ý thức được về những hậu quả pháp lý đối với họ do có hành vi phạm tội. Phạm nhân được quản lý giam giữ tại các khu giam giữ và các buồng giam riêng để hạn chế, phòng ngừa hành vi phạm tội mới, giảm số lượng phạm nhân trốn trại, bảo vệ tuyệt đối an toàn trại giam. Bên cạnh đó, các buồng giam phải bảo đảm các điều kiện về không gian, ánh sáng, diện tích tối thiểu và các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật… Trên cơ sở tổng kết thi hành pháp luật về THAHS, Điều 27 của Luật đã quy định về chế độ quản lý giam giữ phạm nhân theo hướng kết hợp giữa việc phân loại giam giữ theo tính chất, mức độ phạm tội và đặc điểm nhân thân, giới tính cùng với kết quả quá trình chấp hành án của các đối tượng giam giữ. Theo đó, phạm nhân là nữ, phạm nhân là người chưa thành niên được bố trí giam giữ riêng.

Về bảo đảm các quyền công dân cơ bản của phạm nhân, học sinh

Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Phạm nhân là người đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, bên cạnh việc bị buộc phải chịu sự quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo của cơ quan, người có thẩm quyền thi hành án phạt tù thì vẫn được hưởng các quyền công dân, trừ những quyền bị pháp luật và toà án tước, cụ thể là: các quyền cơ bản của công dân mà phạm nhân bị tước hoặc bị hạn chế như quyền tự do đi lại, quyền tự do cư trú; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; quyền tự do kinh doanh, quyền bầu cử, ứng cử, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền bảo đảm bí mật thư tín, điện tín… Phạm nhân vẫn được hưởng các quyền cơ bản của công dân như quyền được sống, quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, danh dự, nhân phẩm; quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền được khiếu nại, tố cáo; quyền được thông tin, học tập, lao động, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao; quyền không bị tra tấn, đánh đập, trừng trị tàn bạo… Pháp điển hoá các quy định của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2007) và các văn bản hướng dẫn thi hành, các điều 28, 29 và 44 Luật THAHS đã quy định theo hướng bổ sung đầy đủ hơn, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (học sinh) được tôn trọng nhân phẩm, danh dự, được bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và các quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; đồng thời phải chịu sự giám sát, quản lý, giáo dục của cán bộ, giáo viên và phải chấp hành nghiêm chỉnh nội dung của nhà trường nhưng ít nghiêm khắc hơn so với chế độ quản lý giam giữ phạm nhân. Theo đó, Điều 127 và Điều 133 của Luật THAHS đã quy định trường giáo dưỡng phải căn cứ vào độ tuổi, giới tính, trình độ văn hoá và tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhưng không phải chịu hình phạt để bố trí học sinh thành các tổ, lớp và phân công giáo viên trực tiếp phụ trách; được sắp xếp chỗ ở, sinh hoạt phù hợp trong các buồng tập thể. Các buồng tập thể này phải bảo đảm thoáng mát, hợp vệ sinh môi trường với diện tích nằm tối thiếu cho mỗi học sinh là 2,5m2.

2. Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế cho phạm nhân, học sinh

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thời gian qua Nhà nước đã nhiều lần nâng định mức tiêu chuẩn về ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế cho phạm nhân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và tình hình phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, các trại giam cũng tổ chức cho phạm nhân tích cực lao động, làm ra của cải vật chất, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của chính họ; nơi ở của phạm nhân đã sạch sẽ, thoáng mát hơn, phần lớn các buồng giam đều có quạt trần, ti vi; bảo đảm vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác khám, chữa bệnh cho phạm nhân có nhiều tiến bộ, phòng ngừa không để xảy ra dịch bệnh và tình trạng phạm nhân suy kiệt. Đến nay, các trại giam đều có bệnh xá, một số trại giam còn xây dựng được phòng khám, chữa bệnh riêng cho phạm nhân tại các trung tâm y tế, bệnh viện… Các điều 42, 43 và 48 của Luật THAHS đã quy định tiêu chuẩn ăn, mặc, ở, cấp phát tư trang và chăm sóc y tế của phạm nhân theo hướng phạm nhân được Nhà nước bảo đảm định lượng tiêu chuẩn về ăn theo tiêu chuẩn kalo của người lao động bình thường, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và Chính phủ quy định cụ thể định mức ăn phù hợp với điều kiện kinh tế, ngân sách và biến động giá cả thị trường; diện tích ở tối thiểu của mỗi phạm nhân là 2m2 (đối với phạm nhân có con nhỏ ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 3m2) và được cấp phát tư trang định kỳ phù hợp với điều kiện địa lý, lãnh thổ. Phạm nhân được hưởng chế độ phòng, chống dịch bệnh, khám và điều trị bệnh khi ốm đau, mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; nếu nghiện ma tuý thì được trại giam tổ chức cai nghiện, phục hồi. Đây là những quy định rất tiến bộ, nhằm bảo đảm tốt hơn các điều kiện vật chất và bảo đảm sức khỏe để phạm nhân yên tâm lao động, học tập, giáo dục, cải tạo.

Đối với học sinh, Nhà nước cũng bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, mắm muối, chất đốt, được ăn thêm theo quy định; được sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, ăn, uống theo quy định của ngành y tế và được cấp quần áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng sinh hoạt khác; học sinh nữ được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh cá nhân (Điều 132). Nhà nước cũng bảo đảm chế độ chăm sóc y tế cho học sinh trong trường hợp ốm đau, bệnh tật, thương tích, theo đó tất cả các kinh phí khám, chữa bệnh do trường giáo dưỡng chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước (Điều 134).

3. Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động cho phạm nhân, học sinh

Cùng với việc học văn hóa, lao động, học nghề là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân. Theo quy định tại Điều 29, phạm nhân phải lao động phù hợp với yêu cầu quản lý, giáo dục và hòa nhập cộng đồng, được nghỉ các ngày lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật theo quy định của pháp luật (thời gian học văn hóa, pháp luật, giáo dục công dân, học nghề, nghe phổ biến thời sự, chính sách được trừ vào thời gian lao động). Tuy nhiên, chế độ lao động của phạm nhân nữ cũng có sự ưu tiên, khác biệt, theo hướng phạm nhân nữ được bố trí làm những công việc phù hợp, căn cứ vào giới tính, sức khỏe, độ tuổi; không làm những công việc nặng nhọc, độc hại thuộc danh mục cấm sử dụng lao động nữ. Riêng đối với phạm nhân mắc bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tinh thần thì tùy mức độ, tính chất của bệnh tật và trên cơ sở chỉ định của y tế trại giam, trại tạm giam được miễn hoặc giảm thời gian lao động.

Ngoài ra, pháp điển hóa các quy định pháp luật hiện hành về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân, Điều 30 cũng quy định chi tiết việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân, trong đó một phần kết quả được chi bổ sung mức ăn cho phạm nhân, chi bổ sung vào quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng, quỹ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân của trại giam. Riêng đối với phạm nhân lao động có năng suất cao vượt chỉ tiêu, kế hoạch thì được thưởng tính bằng giá trị tiền hoặc hiện vật. Số tiền này trại giam sẽ quản lý và phạm nhân sẽ nhận lại sau khi chấp hành xong hình phạt tù để họ có một khoản tiền nhất định, tìm việc làm, ổn định cuộc sống.

Đối với học sinh, lao động cũng có ý nghĩa quan trọng nhưng việc lao động phải kết hợp với học tập và giáo dục trong thời gian hợp lý để bảo đảm sự phát triển bình thường về thể chất, trí tuệ và đạo đức của học sinh. Do đó, ngoài việc quy định nghĩa vụ lao động của học sinh, khoản 2 Điều 129 cũng quy định thời gian lao động của học sinh là không quá hai giờ trong một ngày, thời gian học tập và lao động không quá bảy giờ trong một ngày và không quá 35 giờ trong một tuần. Kết quả lao động của học sinh được sử dụng để phục vụ cải thiện đời sống, sinh hoạt và học tập của học sinh. Trường giáo dưỡng có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của học sinh và không được bố trí học sinh làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

4. Bảo đảm bình đẳng giới trong học văn hóa, học nghề, chế độ thăm gặp, sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin liên lạc của phạm nhân, học sinh

Thời gian qua, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các Bộ, ngành chức năng, các cấp chính quyền, các đoàn thể xã hội từ trung ương đến địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và phổ biến đường lối, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách nhân đạo về đặc xá; giáo dục công dân; thực hiện xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như thi tay nghề, hội diễn văn nghệ, thể thao… Từ đó đã có tác dụng giáo dục, chuyển biến nhận thức của phạm nhân và thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Đến nay, cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao từng bước được đầu tư, nâng cấp. Các trại giam đều có hệ thống truyền thanh, các buồng giam đều có đài phát thanh, truyền hình, báo chí; nhiều trại giam đã xây dựng được các phòng học tập, thư viện, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, thành lập đội văn nghệ tuyên truyền, đáp ứng ngày càng tốt hơn và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, thông tin, liên lạc cho phạm nhân…

Kế thừa những kết quả đã đạt được nêu trên, Luật THAHS tiếp tục quy định việc học văn hóa, học nghề là chế độ bắt buộc với những nội dung cơ bản như học văn hóa xóa mù chữ, học pháp luật, giáo dục công dân. Phạm nhân cũng được cung cấp các thông tin thời sự, chính sách, pháp luật. Cùng đó, nhằm nâng cao nhận thức, xóa bớt sự mặc cảm của phạm nhân, các điều 44 và 46 của Luật đã quy định cụ thể về chế độ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao của phạm nhân; bảo đảm cho phạm nhân có thể được gặp thân nhân… Các quy định này bảo đảm sự bình đẳng giữa các phạm nhân, không có sự phân biệt đối xử về giới; hơn nữa, còn căn cứ vào giới tính, độ tuổi, tính chất, mức độ phạm tội, nhân thân để có hình thức và nội dung giáo dục, cải tạo phù hợp.

Đối với học sinh, các chế độ về học văn hóa, học nghề, chế độ thăm gặp, sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin liên lạc cũng được Nhà nước bảo đảm thực hiện đầy đủ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 129, việc học văn hóa là bắt buộc đối với học sinh chưa đạt trình độ phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; đối với học sinh khác thì tùy khả năng, điều kiện thực tế mà tổ chức cho họ học tập phù hợp. Ngoài giờ học văn hóa, học nghề, lao động, học sinh được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác do trường giáo dưỡng tổ chức; được gặp thân nhân, được gửi và nhận thư, nhận quà, trừ rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích khác, đồ vật và các loại văn hóa phẩm bị cấm. Có thể nói, so với Nghị định số 52/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 hướng dẫn biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng, các quy định của Luật THAHS đã bổ sung một số quy định về chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, vui chơi, giải trí theo hướng bảo đảm tốt hơn để người phải chấp hành biện pháp tư pháp này có đủ điều kiện sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội phù hợp với độ tuổi, giới tính, trình độ văn hóa và các đặc điểm nhân thân khác của họ.

5. Bảo đảm chính sách nhân đạo đối với phạm nhân nữ có thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, phạm nhân là người chưa thành niên

Xuất phát từ đặc điểm nhân thân và tính chất của tội phạm, trong các trường hợp cụ thể, một số phạm nhân nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi không được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Vì vậy, việc quy định chế độ riêng đối với đối tượng này nhằm thể hiện chính sách hình sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước và bảo đảm quyền lợi, sự phát triển bình thường của trẻ em theo mẹ vào trại giam là rất cần thiết. Bên cạnh các tiêu chuẩn, chế độ chung của phạm nhân, Luật THAHS đã có một điều quy định riêng về chế độ đối với phạm nhân nữ có thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền (Điều 45), như sau:

- Phạm nhân nữ có thai nếu không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết; được giảm thời gian lao động, được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khoẻ.

- Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của Bộ luật Lao động. Trong thời gian nghỉ sinh con, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp phát thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con.

- Trại giam, trại tạm giam, cơ quan THAHS Công an cấp huyện có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh cho con của phạm nhân. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chấp hành án có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh.

- Phạm nhân nữ có con từ 36 tháng tuổi trở lên phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Trường hợp con của phạm nhân không có thân nhân nhận nuôi dưỡng, thì trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh, phải đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi phạm nhân chấp hành án chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người chấp hành xong án phạt tù được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.

- Trại giam phải tổ chức nhà trẻ ngoài khu giam giữ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của phạm nhân dưới 36 tháng tuổi và con của phạm nhân từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Để bảo đảm sự phát triển bình thường về thể chất, tinh thần của phạm nhân là người chưa thành niên, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, giới tính, Luật cũng quy định một mục riêng (mục 3 Chương III) điều chỉnh về đối tượng này. Theo đó, Nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn, mặc, đồ dùng sinh hoạt, chế độ quản lý giáo dục, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí của phạm nhân là người chưa thành niên cao hơn so với phạm nhân là người thành niên; các trại giam có trách nhiệm giáo dục phạm nhân là người chưa thành niên về văn hóa, pháp luật và dạy nghề phù hợp với lứa tuổi, trình độ văn hóa, giới tính, sức khỏe, chuẩn bị điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong hình phạt, cụ thể như sau:

- Về chế độ quản lý, giáo dục: phạm nhân là người chưa thành niên được giam giữ theo chế độ riêng trong trại giam phù hợp với sức khỏe, giới tính, lứa tuổi và đặc điểm nhân thân (khoản 1 Điều 51).

- Chế độ học văn hóa, học nghề, lao động: phạm nhân là người chưa thành niên được học văn hóa, học nghề; trại giam có trách nhiệm giáo dục phạm nhân là người chưa thành niên về văn hoá, pháp luật và dạy nghề phù hợp với lứa tuổi, trình độ văn hoá, giới tính và sức khoẻ, chuẩn bị điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong hình phạt. Thực hiện bắt buộc học chương trình tiểu học, phổ cập trung học cơ sở và dạy nghề. Về chế độ lao động, phạm nhân là người chưa thành niên được lao động ở khu vực riêng; không phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

- Chế độ ăn, mặc, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, theo quy định tại Điều 52 thì phạm nhân là người chưa thành niên được Nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn mỗi tháng như phạm nhân là người thành niên và được tăng thêm định lượng về thịt, cá nhưng không vượt quá 20%. Ngoài tiêu chuẩn mặc và tư trang được cấp phát như phạm nhân là người thành niên, mỗi năm phạm nhân là người chưa thành niên được cấp thêm quần áo dài, quần áo dài đồng phục, khăn mặt và các đồ dùng cá nhân khác phục vụ cho việc sinh hoạt, được sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí phù hợp với đặc điểm tâm lý, lứa tuổi của người chưa thành niên.

- Chế độ thăm gặp, liên lạc với thân nhân: do đặc điểm tâm lý, lứa tuổi, phạm nhân là người chưa thành niên được gặp thân nhân nhiều hơn về số lần gặp và thời gian trong mỗi lần gặp so với phạm nhân là người thành niên. Cụ thể là, phạm nhân là người chưa thành niên được gặp thân nhân không quá ba lần trong một tháng, mỗi lần gặp không quá ba giờ, trường hợp đặc biệt được gặp không quá 24h; được liên lạc với thân nhân qua điện thoại trong nước mỗi tháng không quá bốn lần, mỗi lần không quá mười phút (Điều 53).

Ngoài ra, khi có hành vi vi phạm nội quy, quy chế trại giam, phạm nhân nữ và phạm nhân là người chưa thành niên được ưu tiên hơn trong quá trình xử lý vi phạm, trường hợp bị phạt giam tại buồng kỷ luật thì không được áp dụng cùm chân đối với họ.

Công tác THAHS, nhất là thi hành án phạt tù, thi hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng đã góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và được thi hành nghiêm chỉnh, triệt để, đúng pháp luật; giáo dục, cải tạo người phạm tội, người có hành vi phạm tội nhưng không phải chịu hình phạt trở thành người có ích cho xã hội. Với các quy định mới, đầy đủ, tiến bộ, thể hiện truyền thống nhân văn, nhân đạo, đề cao và bảo đảm quyền con người, Luật THAHS đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong việc thi hành từng hình phạt, biện pháp tư pháp cụ thể với tính chất, mức độ và đối tượng phải chấp hành án, biện pháp tư pháp khác nhau, từ đó có tác động tích cực nhiều mặt về chính trị, pháp luật, đối ngoại, nhận thức, kinh tế, xã hội, đặc biệt là nâng cao một bước nhận thức về quyền con người và bình đẳng giới đối với người chấp hành án trong cán bộ quản lý và trực tiếp làm công tác THAHS trong thời gian tới.
(Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 202-thang-9-2011 ngày 10/09/2011) GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh - Thiếu tướng, GS, TS. Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an.

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết